Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Chúng ta có thể sai phạm hay mắc lỗi, nhưng sứ điệp Phúc Âm luôn luôn đúng, Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta hoàn thành mục đích của Ngài trên chuyến đi của chúng ta. Điều quan trọng là bạn đáp ứng với sự kêu gọi của Chúa rằng “Có con đây, xin hãy sai con đi!”
Nếu Hội Thánh bạn chưa từng sai phái giáo sĩ nằm vùng, tôi khích lệ rằng bây giờ là chính thời điểm để sai phái. Nếu Hội Thánh bạn chưa từng có hoặc đang lên kế hoạch cho chuyến đi truyền giáo ngắn hạn, dưới đây là những điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trong công tác chuẩn bị:
Truyền giáo ngắn hạn xuyên văn hóa cần được nhen nhóm và phát triển từ chính nơi bạn đang sinh sống
Khi bạn mong muốn đến một đất nước nào đó, bạn cần biết về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ và quốc giáo của họ; nếu bạn khao khát làm chứng về tình yêu của Chúa cho họ thì hãy dành thời gian cầu nguyện đặc biệt cho họ, hành động cụ thể bằng cách kết bạn và làm thân với họ nếu bạn biết bất kỳ người nào đến từ đất nước bạn đang hướng đến.
Như vậy sẽ giúp ích cho bạn khi đến đất nước đó, có sự liên kết lành mạnh với người dân bản địa; bạn vừa có thể đi ra làm chứng tại đất nước họ, vừa có thể chăm sóc những người quốc tịch nước đó tại chính nơi bạn đang sinh sống.
Gần nhà thờ tôi, có rất nhiều người Sô-ma-li-a theo đạo Hồi sinh sống. Trước khi Hội Thánh tôi sai phái các nhóm truyền giáo ngắn hạn đến Sô-ma-li-a, chúng tôi phải tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán và đời sống sinh hoạt thường ngày của họ; khi có cơ hội, chúng tôi học ngôn ngữ từ họ. Chúng tôi không nhắm đến đất nước, mà tập trung đến con người Sô-ma-li-a, bởi vậy, điều này này không thể tách rời khi chúng tôi đến Sô-ma-li-a khoảng 1 năm một lần mà quên đi những người Sô-ma-li-a đang sống từng ngày trên chính đất nước của chúng tôi.
Kết nối với giáo sĩ tại địa phương đó
Để có chuyến đi hiệu quả và ngăn chặn những tổn hại không đáng xảy ra, chúng ta cần kết nối với các giáo sĩ mà Hội Thánh sai phái để biết thông tin rõ ràng và cụ thể về nơi mà chúng ta chuẩn bị đến. Họ giúp chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về đất nước đó theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của bản thân họ. Họ cũng giúp chúng ta lên kế hoạch sơ lược để chúng ta có chuyến đi hiệu quả và ý nghĩa hơn.
Một Hội Thánh nọ muốn sai phái một nhóm thanh niên đến một đất nước khác để bày tỏ tình yêu với người dân địa phương, sau khi thăm dò ý kiến của giáo sĩ nằm vùng tại đó, họ đã sai phái 100 em thanh niên đi, trong khi người giáo sĩ đó gợi ý nên gửi khoảng 8 em thôi. Chuyến đi đã xảy ra những khó khăn và rủi ro cho nhóm cũng như cho cả người giáo sĩ. Chúng ta nên lắng nghe họ. Nếu đến thăm giáo sĩ ở những khu vực khó khăn hay “nhạy cảm”, chúng ta chỉ nên cử 2-3 người chủ chốt trong nhóm đến thăm họ, như vậy chuyến đi của chúng ta sẽ được an toàn và hiệu quả hơn.
Thắt chặt mối quan hệ với Hội Thánh địa phương
Có chiến lược và kế hoạch lâu dài với Hội Thánh địa phương. Vì sau khi nhóm truyền giáo trở về, các tín hữu vẫn sống và làm việc tại nơi này. Vậy nên, khi chúng ta đến, biết được những nhu cầu của họ, hãy cầu nguyện và kết nối với họ trên tinh thần khiêm nhường của người đang học hỏi. Hãy xây dựng niềm tin và tôn trọng họ. Làm như vậy, chúng ta đang hỗ trợ họ phát triển bền vững và hiệu quả những mục vụ Hội Thánh đang làm.
Tại Ấn Độ, có một nhà thờ muốn giúp đỡ trẻ em mồ côi, xây dựng trường thần học và gây dựng các Hội Thánh nhánh tại các ngôi làng chưa được chạm đến. Họ biết phương pháp làm nhưng lại chưa có ngân sách để thực hiện. Bởi vậy, nhu cầu của họ là tài chính. Các đoàn truyền giáo ngắn hạn đã hỗ trợ nhân lực và tài chính để có nhà ở cho trẻ mồ côi, có trường thần học và ngân quỹ cho việc mở mang Hội Thánh. Họ sử dụng nhân lực từ chính các “giáo sĩ” ngắn hạn, cũng như tài chính quyên góp từ các Hội Thánh khác nhau.
Ngừng cứu trợ khi cần thiết
Một trong các vấn đề xảy đến với các chuyến truyền giáo ngắn hạn là chúng ta đang bị mắc kẹt trong công tác cứu trợ. Chúng ta xây dựng và sơn sửa nhà, chăm sóc trẻ em hay tặng quà cho những người nghèo. Chúng ta làm điều này vì hầu như bất cứ ai trong Hội Thánh của chúng ta cũng có thể tham gia được.
Đây là một công việc dễ chịu và thoải mái, nhưng đôi khi lại không tốt cho những người đó. Cứu trợ chỉ thích hợp trong một khoảng thời gian ngắn, nếu bạn muốn góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo về vật chất và chia sẻ phúc âm để “giảm nghèo” về mặt tinh thần, bạn phải hướng đến việc phát triển cộng đồng, giúp họ nhận thức giá trị bản thân để có thể làm được những việc mà họ có thể làm được. Điều này khó hơn bởi bạn cần thêm thời gian, thêm lòng thương xót và sự công bình.
Chuẩn bị chu đáo
Cần có mục đích và mục tiêu rõ ràng. Nếu bạn muốn các thành viên đi để họ được thay đổi và tìm hiểu văn hóa ở một đất nước mới lạ, thì họ nên ở nhà. Sứ mạng của tất cả chúng ta là môn đồ hóa, bởi vậy, truyền giáo ngắn hạn cũng phải là một phần trong công cuộc môn đồ hóa, phải thực hiện chiến lược có mục đích. Mỗi thành viên trong nhóm cần có một sự hiểu biết rõ ràng về chiến lược truyền giáo xuyên văn hóa, cần cầu nguyện trong khoảng 1 năm trước khi lên đường, cần lượng giá sau mỗi chuyến đi và có những cam kết lâu dài.
Bạn có thể tham khảo những điều sau:
- Các tiêu chuẩn trong các chuyến đi truyền giáo ngắn hạn:
1. Đặt Đức Chúa Trời làm trung tâm
2. Gắn kết các mối quan hệ
3. Hỗ trợ lẫn nhau
4. Quản lý toàn diện
5. Phẩm chất người lãnh đạo
6. Đào tạo thích hợp
7. Chăm sóc và theo dõi thường xuyên - Hỗ trợ, từ thiện
1. Không bao giờ tài trợ cho người nghèo những gì họ có (hoặc có thể có) nếu bản thân họ tự làm được.
2. Hạn chế cho tiền một cá nhân trong cộng đồng chúng ta đến thăm (trừ trường hợp khẩn cấp)
3. Uỷ thác cho người nghèo thông qua việc làm, cho vay và đầu tư, sử dụng tiết kiệm các khoản tài trợ, không lãng phí vào những công việc không cần thiết.
4. Đầu tư lợi ích cho nhu cầu của những người đang được phục vụ.
5. Gần gũi, lắng nghe những người muốn chia sẻ; đặc biệt là lắng nghe những gì chưa từng được chia sẻ, bởi đôi khi những điều đó thường có ích, giúp chúng ta làm công việc hiệu quả hơn.
6. Không làm hại bất kỳ ai hay sự việc gì.
Đôi lời nhắn nhủ tới các mục sư
Hầu hết những người tham gia truyền giáo ngắn hạn tự đóng góp tài chính hoặc kêu gọi hỗ trợ từ những người hay tổ chức khác. Vì vậy, cách duy nhất đi đúng hướng là mục sư nên chia sẻ về điều này trước hội chúng. Mục sư dùng Lời Chúa khích lệ vì chính Kinh Thánh đề cập đến mọi phương diện trong cuộc sống: công tác môn đệ hóa, sứ mạng, lòng thương xót và sự công bình, truyền giáo, hay vấn đề tiền bạc.
Đôi lời nhắn nhủ tới tất cả mọi người
Chúng ta không ai hoàn hảo, nên sự chuẩn bị và kế hoạch trong những chuyến truyền giáo ngắn hạn cũng không hoàn hảo; tuy nhiên, chúng ta cần chuẩn bị tối đa những gì có thể làm để có một chuyến đi ý nghĩa và hiệu quả nhất. Chúng ta có thể sai phạm hay mắc lỗi, nhưng sứ điệp Phúc âm luôn luôn đúng; Đức Thánh Linh sẽ giúp chúng ta hoàn thành mục đích của Ngài trên chuyến đi của chúng ta. Điều quan trọng là bạn đáp ứng với sự kêu gọi của Chúa rằng “Có con đây, xin hãy sai con đi!”
Tin bài: Thùy Trang
Lược dịch từ: TheGospelCoalition