Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Các tổ chức cơ đốc thường giải quyết các vấn đề liên quan đến kiến thức, mà không tập trung đến những đặc tính hay các kỹ năng giúp các giáo sĩ có thể tồn tại và phát triển mạnh trong các mục vụ xuyên văn hóa. Nơi xác thực lời kêu gọi truyền giáo cho một người rõ ràng nhất chính là Hội Thánh.
Khi đọc thư tín Giăng 3, chúng ta thường bỏ qua một chi tiết rất nhỏ nhưng mang đậm ý nghĩa lớn, đó là cách thức truyền giáo của những Hội Thánh đầu tiên. Đoạn này dạy dỗ chúng ta cách thức Hội Thánh cử người đi truyền giáo.
Các giáo sĩ đã đến thăm Gai-út và họ được Hội Thánh vui mừng tiếp đón. Khi Giăng nghe điều này, ông viết thư khen ngợi và hướng dẫn Gai-út, trưởng nhiệm Hội Thánh, có thể sai phái – cử những nhà truyền giáo ra đi (câu 6). Cụm từ “sai phái” xuất hiện nhiều lần trong Tân Ước, chủ yếu là trong bối cảnh truyền giáo. Giăng không chỉ khích lệ sai phái các nhà truyền giáo ra đi mà còn mong muốn Hội Thánh“hỗ trợ họ một cách xứng đáng” (c.6).
Cụm từ “sai phái” dùng thay cho từ “sở hữu”
Có một sự khác biệt lớn giữa một Hội Thánh “có” các nhà truyền giáo (trong đó bao gồm cả việc giữ ngân sách) và một Hội Thánh “sai phái” các giáo sĩ. Sai phái là một động từ ám chỉ hành động có chủ đích, được thực hiện cẩn thận và chi tiết. “Sở hữu” có vẻ giống như các nhà truyền giáo đang nợ bạn điều gì đó vì họ là một phần trong Hội Thánh của bạn.
Một nghiên cứu năm 1997 của tác giả William Taylor chỉ ra rằng cứ mỗi năm lại có khoảng 71% giáo sĩ bỏ cuộc và rời khỏi “chiến trường”, vì họ chưa được đào tạo và trang bị cẩn thẩn. Taylor đã kết luận:
Các tổ chức cơ đốc thường giải quyết các vấn đề liên quan đến kiến thức, mà không tập trung đến những đặc tính hay các kỹ năng giúp các giáo sĩ có thể tồn tại và phát triển mạnh trong các mục vụ xuyên văn hóa. Nơi xác thực lời kêu gọi truyền giáo cho một người rõ ràng nhất chính là Hội Thánh.
3 điều cần ghi nhớ:
Vậy sống ở thế kỷ 21, chúng ta cần làm gì để sai phái giáo sĩ ra đi xứng đáng theo sự kêu gọi của Thiên Chúa? Dưới đây là ba gợi ý:
- Tránh ảo tưởng về Cơ đốc nhân trên toàn thế giới
Cách dễ gây thất bại nhất trong công cuộc truyền giáo là không nhìn thấy một bức tranh rõ ràng về những điều đang xảy ra trên thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận với thế giới khi đang sống trong một thế giới công nghệ, và kết nối với các cơ đốc nhân khác để biết thêm về tình hình của đất nước mà bạn đang hướng đến.
- Chiêu mộ và trang bị
Chúa Giê-xu truyền lệnh cho Hội Thánh “Vậy hãy cầu xin Chúa mùa gặt sai thợ gặt vào mùa gặt của Ngài.” (Ma-thi-ơ 9:38). Bạn nên bắt đầu tuyển mộ qua sự cầu nguyện, và Đức Chúa Trời đáp lời qua những cách khác nhau, có thể qua một chương trình cụ thể nào của Hội Thánh, hay Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ cho họ cách cá nhân. Nếu Hội Thánh của bạn chưa từng cử bất kỳ một giáo sĩ nào ra đi, có lẽ bạn đã quên cầu nguyện về điều này. Một khi bạn đã chiêu mộ ai, bạn phải trang bị cho họ (Ê-phê-sô 4:11). Nếu bạn cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo và huấn luyện giáo sĩ, hãy mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ những tổ chức hoặc cá nhân đã và đang làm.
- Ủy thác và cử đi
Khi các nhà truyền giáo đã sẵn sàng ra đi, việc ủy thác là một tuyên bố công khai rằng bạn chúc phước và hỗ trợ họ. Điều này có nghĩa là bạn đồng ý cho họ ít nhất hai thứ:
- Tài chính. Giăng nhắc nhở Hội Thánh của Gai-út rằng các nhà truyền giáo đã không lấy tiền từ những người ngoại (c. 7). Hội thánh của bạn và một số cá nhân cần cam kết hỗ trợ tài chính các giáo sĩ. Đừng cố gắng “giữ” nhiều giáo sĩ trong Hội Thánh để trả lương cho họ mỗi tháng; Thay vào đó, hãy chọn lọc và sai phái họ đi ra những nơi khác. Tôi biết nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề tài chính của các giáo sĩ. Đôi khi họ bị Hội Thánh lãng quên và phải chịu rất nhiều căng thẳng và áp lực về tiền bạc khi đang làm chức vụ tại nơi đất khách quê người. Có nhà phê bình nọ nói rằng” một người sống dễ dàng ở một đất nước khác khi họ có thể làm ít nhất 2 nghề”, tuy nhiên tôi nghĩ các giáo sĩ cần toàn tâm toàn ý vào mục vụ nếu đó là sự kêu gọi của Chúa, để công việc Chúa được mở mang trọn vẹn.
- Chăm sóc thuộc linh. Khi các nhà truyền giáo bắt đầu bước lên máy bay, “để lại sau lưng” gia đình, đất nước, nền văn hóa và phong tục tập quán của mình, có thể đây là lúc họ đang đối diện với những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời. Sẽ có những căng thẳng và áp lực mà họ không biết chia sẻ cùng ai. Vậy ai sẽ chăm sóc cho họ? Bạn có sẵn sàng dành thời gian lắng nghe và khích lệ họ? Bạn sẽ trò chuyện (qua mạng) với họ? Bạn sẽ cho họ một cảm giác an toàn để họ được giãi bày tâm sự thoải mái?
Chúng ta đang sống trong một thế giới liên tục thay đổi, mọi thử thách và khó khăn luôn rình rập phía trước. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm, chăm sóc và khích lệ họ để họ không cảm thấy cô đơn, đặc biệt trong những thời gian đầu khi mới bước vào chức vụ.
Được bao bọc bởi vinh hiển của Chúa
Thư tín 3 Giăng 7-8 xác định kiểu truyền giáo mà chúng ta cần hỗ trợ: một người ra đi phải “xứng đáng với Đức Chúa Trời”. Tương tự như vậy, sứ đồ Phao-lô muốn “vì danh Ngài đem mọi dân tộc đến sự vâng phục do đức tin”. (Rô-ma 1: 5.). Hội thánh cần sai phái người có đam mê và khát vọng truyền giáo giống như Chúa Giê-xu….vì vinh hiển của Đức Giê-hô-va.
Chúa không được tôn vinh nhất trong chúng ta khi chúng ta đi chia sẻ và cố gắng chứng minh một điều gì đó, nhận được sự chấp thuận của người khác, hoặc hài lòng với chính bản thân mình. Ngài được vinh hiển nhất khi chúng ta thỏa lòng nhất trong Ngài. Và chúng ta hài lòng nhất trong Ngài khi sự khó khăn, bắt bớ của chúng ta gắn liền với sự khổ nạn của Ngài, để Ngài được tôn vinh.
Hãy sai phái họ đi
Hội Thánh: Các tổ chức truyền giáo sẽ không cử ai ra đi, Hội Thánh cần sai phái các nhà truyền giáo ra đi. Tuyển mộ. Trang bị. Uỷ thác. Và khi họ đã sẵn sàng, sai phái họ ra đi để danh Đức Chúa Trời được vinh hiển.
Cá nhân: Bạn đừng đánh cắp trách nhiệm của chính mình bằng cách chỉ dâng hiến tài chính cho các giáo sĩ rồi khoanh tay tự nhủ “công việc mình đã xong”. Hãy sẵn sàng và dấn thân “Có con đây, xin hãy sai con đi!”.
Tin bài: Thùy Trang
Lược dịch từ: TheGospelCoalition