Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Năng quyền Chúa tuyệt vời dù Ngài có đang thực hiện phép lạ hay không. Bởi vậy khi chúng ta phải tranh chiến với đức tin của mình, hoặc thiếu đức tin, trong những tình huống khó khăn, hãy tin rằng Chúa có thể, dù qua phép lạ hay sự chu cấp, đều bởi Ngài quan tâm đến chúng ta.
Sự chữa lành cậu bé bị quỷ ám (Ma-thi-ơ 17:14-20) thoạt nhìn dường như chỉ là thêm một sự chữa lành mầu nhiệm được ký thuật bởi Ma-thi-ơ. Điều khiến cho câu chuyện này trở nên đặc biệt là việc Chúa Giê-xu nhấn mạnh vào vai trò của đức tin. Đúng là đức tin nổi bật trong các phép lạ được ký thuật trong chương 9; nhưng trong chương 17, Chúa Giê-xu nhấn mạnh đến sự thiếu đức tin.
Chúa không phụ thuộc vào đức tin của con người để hoàn thành công việc của Ngài, điều này đã rõ ràng từ những ký thuật về các phép lạ khác được ghi chép bởi Ma-thi-ơ. Sự hóa hình của Chúa Giê-xu ngay trước sự chữa lành cho cậu bé là một ví dụ quan trọng. Đó là một phép màu tuyệt diệu; không hề liên quan tới đức tin con người. Điều này cũng đúng khi Chúa hóa bánh cho năm ngàn người ăn (Ma-thi-ơ 14:13-21) và bốn ngàn người ăn (Ma-thi-ơ 15:32-38). Vì vậy điều đầu tiên chúng ta cần biết về đức tin và quyền năng của Đức Chúa Trời là Ngài không lệ thuộc vào đức tin của chúng ta để làm công việc Ngài. Chúa không bị kìm giữ trong sự thiếu đức tin của chúng ta.
Tuy nhiên, điều thứ hai chúng ta cần phải học, là Đức Chúa Trời cần đức tin của chúng ta khi thực hiện mục đích của Ngài. Chúng ta thấy điều này trong việc chữa lành cậu bé bị quỷ ám. Mác đã ký thuật rõ điều này trong cuộc trò chuyện của Chúa Giê-xu với cha của cậu bé. Người cha nói với Chúa Giê-xu: “Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, xin thương xót chúng tôi và giúp cho!” (Mác 9:22). Người cha đã chứng kiến sự thất bại của các môn đồ, vì vậy ông không chắc việc Chúa Giê-xu có thể giúp được hay không. Đức tin của ông tại thời điểm này có thể được mô tả không hơn một niềm hy vọng không chắc chắn rằng Chúa Giê-xu có thể làm điều mà các môn đồ không làm được.
Đức Chúa Giê-xu đáp: “Sao lại nói ‘nếu Thầy có thể làm được’? Ai tin thì mọi việc đều được cả.” (câu 23). Đức tin có thể được mô tả bằng những cách khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh. Hê-bơ-rơ 11:1 mô tả “Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy.”, thích hợp với những người Do Thái nhận bức thư này, là những người đang đối mặt với sự chống đối dữ dội và cần được khích lệ về niềm hy vọng chắc chắn trong Đấng Christ.
Đối với cha của cậu bé, đức tin có nghĩa tin rằng Chúa Giê-xu có thể chữa lành cho con trai mình. Chúng ta thường giống như người cha đó. Chúng ta có thể phải đối mặt với những nan đề vô cùng khó khăn, và bởi chúng ta đã cầu nguyện một thời gian dài mà không có câu trả lời, chúng ta bắt đầu nghi ngờ về sự đáp lời của Chúa. Nhưng chúng ta phải tin rằng với Đức Chúa Trời không gì là không thể.
Sa-ra, vợ của Áp-ra-ham, nghi ngờ rằng Đức Chúa Trời không thể ban cho họ một đứa con trai khi tuổi đã già, nhưng Chúa đã trả lời, “Có điều gì quá khó cho Đức Giê-hô-va không?” (Sáng Thế Ký 18:14). Nhiều thế kỷ sau, tiên tri Giê-rê-mi lung lay đức tin khi Chúa bảo ông mua thửa ruộng khi người Canh-đê đang xâm lăng (Giê-rê-mi 32:6-26). Một lần nữa Chúa đáp lời “Có việc gì khó quá cho Ta chăng?” (Câu 27). Để có niềm tin nơi Chúa, ngay cả khi Ngài chưa đáp lời hay khi chúng ta phải đối diện nan đề khó khăn, hãy cứ tiếp tục tin rằng Ngài làm được điều chúng ta không thể làm.
Tầm quan trọng của đức tin được nhấn mạnh hơn nữa trong câu trả lời của Chúa Giê-xu đối với câu hỏi của các môn đệ: “Vì sao chúng con không đuổi quỷ ấy được?” (Ma-thi-ơ 17:19). Ngài nói ấy là bởi họ ít đức tin. Chúng ta không biết tại sao đức tin của họ lại không trọn vẹn; nhưng chúng ta biết rằng Chúa Giê-xu đã ban cho họ thẩm quyền đuổi quỷ (Ma-thi-ơ 10:1-8), vậy tại sao đức tin của họ lại yếu đuối vào lúc này? Có lẽ bởi quỷ đã không ra khỏi đứa bé ngay lập tức, và họ bắt đầu nghi ngờ năng quyền của Chúa Giê-xu. Hoặc có lẽ họ cho rằng bởi họ đã thành công trước đây, nên lần này cũng vậy. Nên chúng ta thấy đức tin không chỉ là sự lệ thuộc hoàn toàn vào quyền năng của Chúa Giê-xu, mà còn là sự từ bỏ cái kiêu ngạo, tự tin của bản thân.
Chúng ta đã học qua chủ đề sự chu cấp của Đức Chúa Trời. Trong Ma-thi-ơ 17, chúng ta thấy một ví dụ – việc nộp thuế. Chúa Giê-xu, là Con Đức Chúa Trời, không phải nộp thuế. Tuy nhiên, để khỏi tạo cớ vấp phạm, Ngài đã sai Phi-e-rơ bắt một con cá mà trong miệng nó có một đồng bạc. Ký thuật ngắn gọn này đưa ra một số câu hỏi: Làm thế nào đồng tiền lại mắc vào miệng con cá? Làm thế nào Phi-e-rơ lại bắt được con cá này chứ không phải một con khác? Rất có thể Chúa Giê-xu đã làm phép lạ và đã tạo ra đồng tiền trong miệng cá.
Tuy nhiên, một tình huống khác có thể xảy ra: ai đó “vô tình” đánh rơi đồng tiền xuống biển, con cá đớp lấy nó, và nó mắc kẹt trong miệng. Rồi con cá bơi đến đúng chỗ Phi-e-rơ thả lưới và nó bị bắt lên. Chuỗi sự kiện này không phải phép màu, tuy nhiên tất cả đều cần thiết để mục đích của Chúa được hoàn thành, và Chúa Giê-xu kiểm soát mọi điều đó. Năng quyền Chúa tuyệt vời dù Ngài có đang thực hiện phép màu hay không. Bởi vậy khi chúng ta phải tranh chiến với đức tin của mình, hoặc thiếu đức tin, trong những tình huống khó khăn, hãy tin rằng Chúa có thể, dù qua phép lạ hay sự chu cấp, đều bởi Ngài quan tâm đến chúng ta.
Tin bài: Thùy Trang
Lược dịch từ: Ligonier.org