VECC – Thay vì để vết thương mưng mủ, hãy ngợi khen Chúa rằng có những gia đình vẫn đang tồn tại, có những cặp vợ chồng không ly hôn, rằng có những người cha người mẹ vẫn luôn dành tình yêu thương cho con cái của họ. Tấm lòng của người Cha dành cho con cái của Ngài tỏa soi qua họ trong thế gian này. Hãy vui mừng trong ân điển đã bẻ gãy vòng tội lỗi và nỗi đau, tạo nên hôn nhân và gia đình lành mạnh phản chiếu vinh quang của Ngài.
“Chắc hẳn bố chị làm trong quân đội nhỉ?”
Tôi cố kìm lại cái cau mày. “Không, thưa cô” tôi đáp, rồi tập trung vào quầy thu ngân trước mặt. Cô ấy tiếp tục hỏi thêm.
“Nhưng chị thật là lịch sự.”
Cô ấy không thấy được sự miễn cưỡng trong giọng nói của tôi.
“Tôi thực sự chưa hề gặp cha mình, thưa cô.” cuối cùng tôi cũng phải nói, và không thể nhìn vào mắt cô ấy.
Như thường lệ, cuộc trò chuyện kết thúc ở đó.
Tiếng “cha” thật không dễ dàng với tôi. Khi nghe đến nó, không có ký ức nào để tôi tìm về, không có một gương mặt, một giọng nói; hoàn toàn không có một sự kết nối nào.
“Đức Giê-hô-va thương xót người kính sợ Ngài, Khác nào cha thương xót con cái mình vậy.” (Thi Thiên 103:13)
Nhưng nếu Ngài không thương xót tôi thì sao? Đó là câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi.
Từ “Cha” có nghĩa là gì?
Tôi đã từng cố gắng để hiểu tại sao những người cha quan tâm đến con gái của họ rất nhiều. Tôi đã quan sát mối quan hệ giữa cha và con gái và hỏi những người phụ nữ khác để định nghĩa được từ cha. Tôi cũng đọc nhiều bài viết.
Sau khi nghiên cứu, nước mắt tôi vẫn tuôn rơi mỗi khi tôi xem điệu nhảy của cha và con gái. Tôi vẫn tự hỏi việc nói Chúa là Cha có ý nghĩa gì – việc Chúa giống như người Cha dường như là một điều gì đó thật đáng sợ. Vì thế, thật là khó và bối rối khi ở nhiều Hội Thánh và nhóm Cơ Đốc nhân, mọi người nói về Chúa giống như người Cha. Trong một vài trường hợp, giả thiết được đưa ra tạo cảm giác xa vời và gây tổn thương.
Thay đổi cuộc trò chuyện của chúng ta
Chúng ta nên quan tâm đến cách chúng ta nói về phẩm tính người Cha của Đức Chúa Trời. Hội Thánh cần là nơi nương náu và học hỏi lại của những người con trai, con gái mồ côi cha.
Đúng, Đức Chúa Trời là Cha, nhưng khi người khác không có được suy nghĩ tích cực về từ này (hay không có chút liên kết nào cả), thì nó chỉ nhắc nhớ họ về hoàn cảnh thiếu thốn của họ mà thôi. Chúng ta không nên giấu đi lẽ thật rằng Chúa là Cha yêu thương, nhưng chúng ta cũng nên nhớ cần cẩn trọng với những trường hợp tế nhị có hoàn cảnh đau thương.
Đừng để sự mồ côi cha giữ bạn khỏi việc tìm kiếm Chúa giống như một người Cha, là Cha của bạn. Mặc dù điều đó rất khó, nhưng việc biết Chúa là Cha của tôi đã xóa đi những vết thương vì tôi mồ côi cha. Những vết thương đó dường như không bao giờ được lành hoàn toàn. Tôi vẫn mong mỏi với ký ức được chạy đến ôm cha khi cha đi làm về. Những ký ức đó chưa bao giờ xảy ra. Và ký ức về điệu nhảy giữa cha và con gái cũng không bao giờ xảy ra.
Nhưng chúng ta không còn mồ côi cha nữa. Trong Đấng Christ, chúng ta được nâng lên địa vị là những người đồng thừa kế, và là con trai con gái của Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:16-17). Và tình yêu của Cha Thiên Thượng dành cho bạn sẽ vượt trổi hơn những mất mát và đau đớn bạn phải trải qua trong quá khứ.
Việc tăng trưởng trong sự nhận biết Đức Chúa Trời là Cha có nghĩa chúng ta cần hạ xuống sự tự bảo vệ và để sự tốt lành của Chúa chữa lành những vết thương. Người cha trên đất của tôi không ở đây, nhưng Cha Thiên Thượng là Đấng toàn tại luôn hiện diện trong đời sống tôi. Đối với một số người, cha của họ có thể đặt nặng về tiền bạc, quyền lực hay tình dục hơn là nhu cầu của gia đình. Nhưng Chúa chúng ta, Ngài không bao giờ khiến chúng ta thất vọng.
Yêu thương những người mồ côi cha
Sự tan vỡ không nên bị Hội Thánh ngó lơ hay bỏ qua, nhưng đó chính là lý do Chúa xây dựng nên Hội Thánh. Nếu chúng ta không sa ngã và hoàn toàn có thể đứng vững trong sự công bình bằng sức riêng của mình, thì Đấng Christ đã không phải đến thế gian. Nếu chúng ta muốn trở nên giống Chúa, chúng ta sẽ đi ra và chạm đến trong sự thương xót những nhu cầu thể chất và tâm linh của người mồ côi – những người bị xao lãng, ngược đãi và bị bỏ rơi.
Thật là dễ dàng để cho rằng mọi người đều ổn và nhắm mắt làm ngơ. Nhưng Hội Thánh lại có cơ hội để bày tỏ tình yêu thương với con trẻ, trẻ vị thành niên và người trưởng thành từ những gia đình tan vỡ. Chúng ta thực sự cần nuôi dưỡng một sự nhạy cảm, lòng trắc ẩn và khát khao với hàng nghìn đứa trẻ trong cộng đồng với rất ít sự ổn định trong gia đình.
Những người nam cần dành sự quan tâm đến những người nữ mồ côi cha trong Hội thánh. Dĩ nhiên, ranh giới tình yêu thương cần được thiết lập trong cộng đồng với những anh chị em khác. Đó có thể chỉ đơn giản là hỏi về tuần vừa qua của họ khi bạn gặp họ ngày Chủ Nhật, hoặc vợ chồng bạn có thể mời cô ấy đến ăn tối hai lần mỗi tháng. Những người phụ nữ không có cha cần thấy rằng người nam có thể và nên trân trọng người nữ với tình yêu thương và phẩm giá. Cô ấy cần thấy cách bạn yêu thương và phục vụ vợ mình.
Những người phụ nữ đã lớn tuổi hay trẻ tuổi hơn cũng cần bạn nữa (Tít 2:3-5). Không chỉ là những bữa cơm hay cái ôm, nhưng là ai đó có thể lắng nghe họ, hướng dẫn và hướng họ về lẽ thật trong Kinh Thánh.
Ân điển, con đường hai chiều
Những người mồ côi cha thực sự nên nhớ rằng ân điển và sự hiểu biết đi cả hai chiều. Những người đưa ra giả thiết không phải là Chúa và do đó họ không hiểu hết mọi sự. Những người chưa từng trải nghiệm sự mồ côi không thể biết hay hoàn toàn hiểu được hệ lụy nó đem lại. Sự bỏ mặc thờ ơ của họ qua lời nói và những giả định có thể khiến chúng ta tổn thương, nhưng chúng ta vẫn đứng sẵn sàng để nhân rộng ân điển đến với những người mà Đấng Christ đã chết thay. Việc để họ biết rằng họ làm bạn tổn thương không sai, nhưng hãy làm điều đó với sự khiêm nhường và nhẫn nại.
Thay vì để vết thương mưng mủ, hãy ngợi khen Chúa rằng có những gia đình vẫn đang tồn tại, có những cặp vợ chồng không ly hôn, rằng có những người cha người mẹ vẫn luôn dành tình yêu thương cho con cái của họ. Tấm lòng của người Cha dành cho con cái của Ngài tỏa soi qua họ trong thế gian này. Hãy vui mừng trong ân điển đã bẻ gãy vòng tội lỗi và nỗi đau, tạo nên hôn nhân và gia đình lành mạnh phản chiếu vinh quang của Ngài.
Tin bài: Mục vụ truyền thông – HTTL Giao Ước Việt Nam
Lược dịch từ: DesiringGod.org