Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Tất cả những người có niềm tin vào Chúa Giê-xu luôn khát khao được gần Chúa hơn, phát triển sâu hơn trong mối quan hệ với Ngài. Vậy làm thế nào để “tăng” đời sống thuộc linh lên một bước cao hơn?
Bạn có đời sống thuộc linh khi bạn là một Cơ Đốc nhân. Cũng giống lẽ phát triển tự nhiên, đời sống thuộc linh có thể phát triển hoặc chết dần đi, có thể tràn đầy năng lượng hoặc phải chiến đấu vật vã, có thể suy tàn hay xuôi theo dòng đời. Sau đây là 5 điều cần thiết giúp cho những người tin Chúa mạnh mẽ hơn trong đức tin của mình:
1/ Hòa mình với cộng đồng Cơ Đốc
Nếu chúng ta muốn phát triển đời sống thuộc linh thì chúng ta đừng nên đánh giá thấp hoặc bỏ qua vai trò và tầm quan trọng của việc kết nối cộng đồng. Tiến sĩ Mary Lowe từng nói “Những gì tạo nên chúng ta đó là xã hội, tình cảm, tâm lý và đạo đức tinh thần”. Nếu chúng ta chưa thường xuyên đi nhà thờ, thì đây là một nơi tuyệt vời để bắt đầu cho sự phát triển thuộc linh của bạn. Nếu có thể, bạn nên tham gia vào một nhóm nhỏ hoặc tham gia vào các nhóm tình nguyện. Bạn cũng nên dự phần vào các sự kiện của hội thánh vì đây là một cách tốt giúp bạn có thể kết nối với cộng đồng cùng đức tin của mình.
2/ Hoàn toàn được biến đổi
Sự phát triển thuộc linh sẽ ảnh hưởng và thay đổi từng phần bên trong đời sống bạn, đặc biệt khi bạn ngày càng sâu sắc với Chúa. Trong chương 4 sách Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô cho chúng ta biết rằng mục đích của sự biến đổi này là quá trình Đức Thánh Linh hành động để giúp chúng ta được “trọn vẹn trong Chúa” (4:13) và “tăng trưởng trong tất cả mọi mặt” (4:15) và trở nên càng giống Chúa hơn. Tiến sĩ Lowe cho biết “Mục đích lớn nhất của Chúa là giúp chúng ta được tăng trưởng trong quá trình bước đi và có mối quan hệ mật thiết với Ngài”.
3/ Có những lựa chọn khôn ngoan
Những người xung quanh luôn ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta, vì vậy, hãy có những sự lựa chọn khôn ngoan để đời sống thuộc linh của chúng ta được tăng trưởng. Chúng ta thường nghĩ rằng những gì cá nhân chúng ta làm chỉ ảnh hưởng một chút hoặc thậm chí không có ảnh hưởng đến thân thể của Đấng Christ, nhưng thực tế lại khác, chúng ta kết nối với nhiều người hơn và ảnh hưởng đến họ nhiều hơn chính những gì chúng ta suy nghĩ. Điều cốt yếu Phao-lô muốn nhắn nhủ trong 1 Cô-rinh-tô 12 đó là “nếu một phần trong thân thể bị tổn thương, thì tất cả những phần khác cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng nếu những phần khác trong thân thể nhận được vinh quang thì tất cả các bộ phận khác sẽ vui mừng cùng bộ phận đó”.
Làm thế nào chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau? Làm thế nào chúng ta có thể tăng trưởng cùng nhau. Nếu bạn bè và gia đình kéo bạn ra xa khỏi niềm tin của mình hoặc ngăn cản bạn đi nhà thờ, thì bạn cần có sự khôn ngoan để từng bước quay trở lại mà không ảnh hưởng tới mối quan hệ của mình. Bạn không nhất thiết phải cắt đứt mối quan hệ của mình nhưng hãy nhờ những người cùng niềm tin khích lệ và giúp đỡ bạn trong việc duy trì đức tin của mình. Quan trọng là bạn cần bước đi với Chúa mỗi ngày.
4/ Sử dụng mạng xã hội đúng và hiệu quả
Sống trong một thời đại công nghệ, bạn hãy nghĩ rằng mình nên sử dụng mạng xã hội giống như cách mà sứ đồ Phao-lô và các sứ đồ khác đã viết thư và gửi tới các hội thánh ngày xưa vậy. Qua công cụ này, bạn có thể chia sẻ tin tức, kết nối và khích lệ những người khác mà không bị chi phối bởi khoảng cách. Chúng ta có thể cho đi và nhận lại sự quan tâm từ bất kì ai đó, có thể đó là những mối quan hệ có giá trị nhằm tạo ra sự kết nối với nhau trong cộng đồng người tin Chúa. Phao-lô đã viết những bức thư nhằm nuôi dưỡng, khích lệ và tăng trưởng đời sống thuộc linh của mỗi hội thánh. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:1,18; Ê-phê-sô 3:3, 1 Cô-rinh-tô 10:11).
5/ Có ảnh hưởng đến nhiều người (chia thành 3 cấp độ khác nhau)
Có người đã từng viết như sau: “Sự ảnh hưởng về mặt xã hội không chỉ dừng lại ở những người được kết nối trực tiếp, bởi chúng ta ảnh hưởng tới bạn bè, rồi những người bạn của chúng ta lại ảnh hưởng tới những người khác, điều này có nghĩa rằng chúng ta còn ảnh hưởng đến cả những người chúng ta chưa từng gặp. Những gì chúng ta làm hoặc nói đều có khuynh hướng ảnh hưởng thông qua mạng xã hội và nó có ảnh hưởng tới những người bạn (mức độ 1), những người bạn của bạn (mức độ 2), và bạn của những người bạn của bạn (mức độ 3). Đây có thể là điều tuyệt vời và cũng có thể là một thách thức lớn bởi điều quan trọng trong việc tăng trưởng và phát triển thuộc linh là nhận thức ảnh hưởng tích cực của mạng lưới xã hội và giảm thiểu hết mức những ảnh hưởng tiêu cực của nó.
Đức tin không phải một điều gì đó có thể tự phát triển. Nó phát triển mạnh khi được đâm rễ từ trong cộng đồng, cùng chia sẻ trách nhiệm và kiến thức với những người đồng đức tin ở xa hay ở gần. Đức tin sẽ phát triển khi có cơ hội gặp gỡ hay tham dự bất kì sự kiện gì cùng nhau. Khi chúng ta càng ưu tiên phát triển đời sống thuộc linh, dành thời gian tập trung, nuôi dưỡng, cầu nguyện, học lời Chúa thì đời sống thuộc linh của chúng ta ngày càng phát triển, mối quan hệ với Chúa càng sâu sắc hơn và sinh ra nhiều bông trái.
Tiến sĩ Mary Lowe chia sẻ câu chuyện về những ảnh hưởng kì diệu của cộng đồng trên chính đời sống thuộc linh của bà: “Chồng tôi – Steve và tôi cùng học trường Chúa Nhật trong hội thánh gần 10 năm trước khi chúng tôi đến nơi khác sinh sống. Trong suốt quá trình đó, chúng tôi được trải nghiệm với Chúa khi tham gia học và được tăng trưởng trong cộng đồng con cái Chúa. Những nhóm nhỏ được kết nối nhiều hơn thông qua những mối quan hệ cá nhân và trở thành một cộng đồng cùng nhau cầu nguyện, thờ phượng, chia sẻ những khó khăn, thử thách và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Đây là cộng đồng những người cùng học kinh thánh, cùng ăn uống, cùng cầu nguyện; cùng sống và làm những điều mình có thể làm. Nhìn lại những ngày đầu tiên và những ngày cuối cùng khi chúng tôi mới bước vào lớp học Kinh thánh, chúng tôi thấy rằng mình biết nhiều hơn, có nhiều mối quan hệ tốt hơn và làm được nhiều điều hơn. Chúng tôi tin tưởng, khích lệ lẫn nhau và được Chúa dẫn dắt nhiều hơn trong cuộc sống. Chúng tôi không còn giống như những người mới bắt đầu học Kinh Thánh nhưng chúng tôi cùng chia sẻ những điều bí mật cho nhau để thiết lập và xây dựng một cộng đồng cùng đức tin mạnh mẽ”.
Khi chúng ta tập trung vào 5 điều trên, mối quan hệ của chúng ta với Chúa và với những Cơ Đốc nhân khác sẽ càng được phát triển. Chúng ta có thể tăng trưởng trong cả chiều dài và chiều rộng của đức tin với mục đích tối thượng là “trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ” như Phao-lô đã nói trong Cô-lô-se 1:28.
Tin bài: Nhóm dịch thuật – Mục vụ truyền thông HTTL Giao Ước Việt Nam
Lược dịch từ: Crosswalk.com