Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Khi tôi chọn đầu phục Chúa, Ngài bắt đầu hành động trong tấm lòng và cuộc đời tôi. Tôi nhìn thấy sự chu cấp của Ngài trên mỗi bước đường. Ngài đổ đầy tràn sự bình an trong tôi. Chúa ban cho tôi sự hiểu biết sâu sắc hơn về tình yêu và ân điển của Ngài, và một mối tương giao thân mật hơn với Ngài. Chúa đã lấy đi nỗi đau và ban cho tôi một chức vụ. Tôi hoàn toàn tin với Gióp rằng quãng đời còn lại của tôi sẽ được phước nhiều hơn trước đây (Gióp 42:10).
Thân gửi các Cơ Đốc nhân đã ly hôn,
Hẳn điều này vẫn còn nhức nhối phải không? Dường như ở mọi nơi mọi người đều muốn bạn đeo quanh cổ một chữ cái “D” lớn và đỏ chót (Divorced – Đã ly hôn). Mọi mẫu đơn bạn hoàn thành đều hỏi rằng bạn đã ly dị hay góa vợ/chồng, chứ không chỉ độc thân hoặc đã kết hôn. Bạn thường bị Hội Thánh khinh thường bởi quá khứ của bạn. Bạn cảm thấy như thể bản thân là một sự thất bại hoàn toàn.
Thật khốn khổ khi không thể hòa hợp, đặc biệt là ở trong Hội Thánh. Bạn không thực sự hòa hợp với những người độc thân, một nhóm người đa dạng sống trải rộng qua vài thập kỷ. Và bạn cũng không hòa hợp được với những người đã kết hôn, ngay cả khi bạn đã từng kết hôn. Bạn không hòa hợp với những gia đình nhỏ hạnh phúc, họ đến cùng nhau để ăn mừng ngày lễ và những dịp đặc biệt như một gia đình “hoàn chỉnh”. Thậm chí nếu bạn có hòa hợp đi chăng nữa, thì vẫn có những lúc gượng gạo. Nếu bạn có toàn quyền chăm sóc con, bạn đã quá bận rộn cố gắng để cân bằng công việc và chăm sóc con cái cùng với nhiều trách nhiệm khác khiến bạn không có thời gian để tìm kiếm những người bạn mới. Bạn không có đủ thời gian để cân nhắc một cuộc sống xã hội cho chính bản thân. Và, thậm chí nếu bạn có thể tìm thấy bạn bè và tham gia các hoạt động, thì cũng không có tiền thuê người giữ trẻ cho một vài buổi tối gặp mặt cùng bạn bè.
Và rồi lại có những Cơ Đốc nhân có thiện chí muốn bạn biết rằng bạn đã khiến Chúa Giê-xu thất vọng vì đã ly dị. Họ nói với bạn rằng Chúa ghét việc ly dị. Họ nói với bạn rằng nếu bạn tái hôn, bạn sẽ mãi sống trong mối quan hệ ngoại tình, chắc chắn bị kết tội xuống địa ngục đời đời. Họ nói với bạn rằng bạn cần phải ở đó, cầu nguyện cho sự hòa giải với người chồng/vợ cũ. Đó là sự lựa chọn duy nhất của bạn – hơn là sống độc thân đến cuối đời. Bạn tự hỏi bạn sẽ phải sống sót như thế nào. Bạn tự hỏi liệu Chúa có thể tha thứ cho bạn. Thậm chí bạn có thể thắc mắc có phải mình thực sự có tội không. Có quá nhiều câu hỏi, và rất nhiều câu trả lời khác nhau.
Tôi hiểu những băn khoăn của bạn. Tôi đã bước vào hôn nhân với một tâm trí giao ước, với kế hoạch đến khi cái chết chia lìa chúng tôi. Ly dị không phải là một lựa chọn dành cho tôi.
Đến khi nó đúng là như vậy.
Bạn thấy đó, đôi khi tấm lòng bị chai sạn. Đôi khi con người quay lưng lại với kế hoạch hoàn hảo của Chúa dành cho đời sống của họ. Đôi khi một bên đưa ra lựa chọn làm thay đổi mãi mãi mối quan hệ giao ước. Có thể là do ngoại tình. Có lẽ là sự bỏ rơi. Hay cũng có thể là sự bạo hành. Tội lỗi luôn ở đó.
Có lẽ, cũng như tôi, bạn đã thử mọi cách. Bạn đã cầu xin Chúa, cả đêm lẫn ngày, xin Chúa cứu hôn nhân của bạn. Bạn đã tìm đến tư vấn hôn nhân. Bạn hiến dâng tất cả năm này qua năm khác, để rồi nhận lại sự ngoại tình tiếp diễn. Bạn tìm kiếm sự cố vấn khôn ngoan từ những người biết bạn rõ nhất. Bạn dành hàng giờ tìm kiếm sự khôn ngoan từ Chúa trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Có thể bạn chưa phải là một Cơ Đốc Nhân khi bạn trải qua sự đổ vỡ. Và bây giờ bạn đã trao cuộc đời mình cho Chúa, bạn thấy người ta nói với bạn rằng bạn phải tiếp tục sống độc thân. Bạn dường như không thể hiểu được.
Hoặc có lẽ chính bạn là người có lỗi. Có thể bạn đã có lời nói hay hành động hớ hênh. Có thể chính sự ích kỉ đã đẩy người bạn đời ra xa bạn. Hay có lẽ bạn đã quá đắm chìm trong sự nghiệp và bỏ mặc người chồng/vợ cho đến khi họ không thể chịu đựng được nữa. Cũng có thể là sự nghiệp ngập khiến bạn không chịu đựng nổi cuộc sống này. Bạn sống với cảm giác mặc cảm và tội lỗi luôn luôn và nó đã phá hủy gia đình của bạn.
Tôi hiểu. Tôi đã sống trong sự tổn thương và nỗi đau, sự xấu hổ và tội lỗi. Tôi đã từng là một Cơ Đốc nhân “hoàn hảo”. Và rồi cuộc sống của tôi tan vỡ. Gia đình tôi vỡ vụn dưới nỗi đau và sự xấu hổ của việc ly dị. Chúng tôi mất đi chức vụ của mình. Tôi không còn gì ngoài Chúa Giê-xu…nhưng Chúa Giê-xu là nhiều hơn những gì tôi cần.
Đó là một chặng đường dài đầy khó khăn, nhưng Chúa đã ở đó xoa dịu mọi vết thương và nỗi đau mà tôi đã từng trải qua. Ngài là chính xác những điều tôi cần trong cuộc hành trình này, ở chính xác những khi tôi cần. Ngài là Đấng Vĩ Đại, là sự bình an và Đấng Chu Cấp cho tôi. Ngài là Đấng Giúp đỡ, và cũng là một người bạn. Ngài là Đấng ban cho tôi đời sống mới, Đấng đã hồi sinh cuộc sống của chúng ta từ cái chết của việc ly dị. Và đây là những điều tôi muốn bạn biết:
1. Chúa ghét sự ly dị
Vâng, tôi biết bạn co mình lại khi nghe điều này! Nó ném thẳng vào mặt bạn như thể ly dị là một tội lỗi không thể tha thứ. Nhưng hãy thành thật: đúng là Chúa có ghét ly dị… bạn cũng vậy…và cả tôi nữa.
Khi tôi bắt đầu tìm hiểu Ma-la-chi 2:16 sâu hơn, tôi thấy có điều đáng chú ý về ngữ cảnh. Bạn thấy đó, ngữ cảnh ở đây là về người bạn đời không chung thủy, người gây tổn thương sâu sắc cho người vợ/chồng của họ. Nó nói về việc cư xử tàn nhẫn với người bạn đời, là người chúng ta nên yêu thương và bảo vệ hơn bất cứ ai khác. Chúa ghét những hành động thường dẫn đến ly dị như chúng ta vẫn biết. Khi chúng ta đưa ra những điều Chúa ghét, hãy nhìn vào một phân đoạn khác:
“Có sáu điều Đức Giê-hô-va ghét, bảy điều Ngài ghê tởm: Mắt kiêu ngạo, lưỡi dối trá, tay làm đổ máu vô tội, lòng mưu toan những điều ác, chân vội vàng chạy đi làm điều dữ, kẻ làm chứng gian và nói điều dối trá, ngươi gieo tranh cãi giữa anh em.” (Châm Ngôn 6:16-19)
Thật là nhức nhối! Tôi sẽ nói rằng bất kì ai lấy Ma-la-chi 2:16 ra để ném vào bạn cần phải dừng lại và nhìn vào Châm Ngôn 6. Chúng ta, là những Cơ Đốc nhân, cần phải nhớ rằng không có một ai công chính cả, dẫu một người cũng không (Rô-ma 3:10). Chúng ta cần phải nhớ rằng Chúa Giê-xu chết vì lòng tự cao và lời dối trá của chúng ta cũng như việc Ngài chết vì việc ly dị vậy. Và thường thường những tội lỗi trong Châm Ngôn 6 dẫn đến việc ly dị. Từ khi trải qua việc ly dị của chính mình, tôi đi đến một kết luận rằng Chúa ghét việc ly dị bởi nỗi đau và sự chịu đựng cực kỳ lớn mà con Ngài phải trải qua. Không phải phần nhiều về tội lỗi, mà là tấm lòng Người Cha Ngài dành cho chúng ta.
2. Kết hôn lần nữa… hay không?
Tôi chắc rằng bạn đã nghe những tranh cãi rằng bạn không thể đi bước nữa trừ khi bạn muốn sống trong sự ngoại tình và đánh liều với linh hồn đời đời. Cá nhân tôi thực sự gặp vấn đề với điều này.
Hãy cùng bắt đầu với việc giải nghĩa Kinh Thánh. Tôi không phải là học giả người Hy Lạp hay Hê-bê-rơ. Có quá đủ những người xung quanh với tri thức và kinh nghiệm để tôi lắng nghe và học hỏi. Tuy nhiên, không một ai trong chúng ta có được sự hiểu biết đầy trọn về ý định của Chúa khi Ngài ban Đức Thánh Linh để cảm thúc các trước giả. Có nhiều học giả cho rằng việc tái hôn là hoàn toàn không được. Cũng có nhiều học giả nói rằng tái hôn chỉ là lựa chọn trong trường hợp ngoại tình. Và cũng có nhiều học giả khác nói rằng việc tái hôn luôn được cho phép bởi ân điển Chúa.
Bất kể đó là gì, mọi sự giải nghĩa đều là cách giải thích của con ngườời. Chỉ duy Kinh Thánh mới là sự cảm thúc thiên thượng trong Lời Chúa. Chúng ta phải rất cẩn trọng trong việc lấy cách hiểu của con người để áp đặt lên người khác, e rằng chúng ta sẽ trở thành như những người Pha-ri-si chăng. Cuối cùng thì, quyết định của bạn là giữa bạn với Chúa. Đó nên là quyết định được đưa ra trong sự cầu nguyện và sự tư vấn từ những cố vấn đáng tin cậy. Và, đó là quyết định được đưa ra khi bạn (và người bạn đời tương lai) đã có một khoảng thời gian để được chữa lành những vết thương quá khứ và trở nên giống Chúa Giê-xu nhiều nhất có thể.
Đây là một suy nghĩ nhanh dành cho bạn: dòng dõi của Chúa Giê-xu ghi trong Ma-thi-ơ 1 có viết về một người nữ mại dâm (Ra-háp, người cuối cùng đã kết hôn với Sanh-môn), một cặp đôi ngoại tình (Đa-vít, người đã cưới Bát-sê-ba sau khi giết chồng cô), và một góa phụ (người đã kết hôn với người bà con đã cứu chuộc mình, Bô-ô). Tôi thấy rất thú vị rằng có đến ba người nữ đã tái hôn trong chính dòng dõi của Đấng Cứu Thế của chúng ta, Chúa Giê-xu Christ. Chúng ta có thể nói đó là ân điển chăng?
3. Chúa là Đấng Cứu Chuộc của mọi sự
Trong suốt Kinh Thánh, chúng ta được ban cho rất nhiều lời hứa rằng sẽ luôn có hi vọng! Rô-ma 8:28 nói rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời. Xa-cha-ri 9:12 nói rằng Chúa sẽ bồi hoàn gấp đôi cho những hoạn nạn của chúng ta. Trong Giăng 11, Chúa Giê-xu công bố rằng Ngài là sự sống lại và sự sống; Ngài sẽ đem bạn ra khỏi sự chết của việc ly dị và thổi sự sống mới vào trong bạn. Và 1 Phi-e-rơ 1 5:10 nói rằng sự chịu khổ sẽ không kéo dài mãi mãi, nhưng đến một ngày Chúa sẽ phục hồi, củng cố, xây dựng và ban sức lực cho bạn.
Khi chuyến hành trình này bắt đầu với tôi gần 6 năm về trước, tôi không chắc rằng tôi đã tin vào những lời hứa đó. Chúa đã khiến tôi thất vọng, tôi đã nghĩ như vậy. Tôi đã sống tận hiến cho Ngài, và “phước lành” tôi nhận được là một người chồng không ăn năn tội ngoại tình. Tôi đã kết thúc với Ngài.
Nhưng Chúa đã không kết thúc với tôi. Ngài đã đeo đuổi tôi không ngừng nghỉ và kêu gọi tôi nhận lấy sự an ninh từ Ngài. Ngài dịu dàng nhắc nhớ tôi rằng Ngài đã luôn ở cùng với tôi mọi lúc, và Ngài sẽ không rời bỏ tôi lúc này. Chúa nhắc nhở tôi rằng Ngài có một kế hoạch tuyệt vời cho tôi.
Tôi đã từng là mớ hỗn độn tan vỡ bị chối bỏ. Nhưng Chúa nhắc tôi rằng Ngài yêu tôi, rằng tôi là đứa con được chọn của Ngài, là tài sản quý giá của Ngài. Ngài nói rằng tôi là con ngươi trong mắt Ngài (Thi Thiên 17:8). Ngài đã nhắc tôi rằng tôi là kiệt tác của Ngài, được tạo ra để làm những công việc lành (Ê-phê-sô 2:10). Tôi đã từng được kêu gọi, và sẽ không bao giờ không đủ tư cách bởi sự kêu gọi của Ngài không bao giờ thay đổi (Rô-ma 11:29)
Khi tôi chọn đầu phục Chúa, Ngài bắt đầu hành động trong tấm lòng và cuộc đời tôi. Tôi nhìn thấy sự chu cấp của Ngài trên mỗi bước đường. Ngài đổ đầy tràn sự bình an trong tôi. Chúa ban cho tôi sự hiểu biết sâu sắc hơn về tình yêu và ân điển của Ngài, và một mối tương giao thân mật hơn với Ngài. Chúa đã lấy đi nỗi đau và ban cho tôi một chức vụ. Tôi hoàn toàn tin với Gióp rằng quãng đời còn lại của tôi sẽ được phước nhiều hơn trước đây (Gióp 42:10).
Và Chúa muốn làm như vậy với bạn. Tất cả những gì bạn cần làm là đầu phục, xin Chúa làm công việc lớn lao trong bạn để Ngài có thể làm công việc lớn lao thông qua bạn. Hãy nói với Ngài rằng bạn không muốn cuộc hành trình này, nhưng bạn sẽ nhận lấy chừng nào nỗi đau của bạn không phải là vô ích.
Tôi hứa rằng Chúa sẽ đáp lời.
Người bạn trong Đấng Christ,
Người đã ly hôn, Dena
Tin bài: Hồng Hạnh
Lược dịch từ: CrossWalk.com