Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Một trong những rào cản lớn nhất khi có sự thay đổi trong các Hội Thánh địa phương của chúng tôi đó là sợ không biết tương lai sẽ thế nào? Vì thế, mặc dù biết cần phải thay đổi, nhưng ai cũng sợ. Sự sợ hãi khiến chúng ta cứ dính chặt vào những gì chúng ta đã làm được. Chúng ta tạo ra những con bò thiêng liêng từ những thứ không thực sự thiêng liêng như: màu sắc của tấm thảm, đồ nội thất nhà thờ, bảng treo Bài Cầu Nguyện Chung 100 năm bám đầy bụi…. Không ai thích thay đổi! Tuy nhiên, họ lại không ý thức được rằng để tồn tại, chúng ta cần thay đổi.
Khi có người nói rằng họ thích sự thay đổi, thực ra ý họ là “tôi không muốn bị người khác thay đổi.” Ai cũng thích thay đổi người này việc nọ, nhưng không ai thích bị người khác thay đổi.
Hầu hết mọi người đều kêu trời kêu đất và lúng túng khi Facebook có giao diện mới hoặc thay đổi một vài chính sách sử dụng; hay khi Apple tung ra bộ sét sạc cho iPhone và iPad, mọi người cũng thấp thỏm, đứng ngồi không yên vì phải nâng cấp hoặc thay đổi tất cả các phụ kiện đi kèm.
Khi Marvel giới thiệu với chúng ta về Miles Morales – người Nhện mới, nhiều người thất vọng vì Miles không phải là Peter Parker. Hoặc khi những tin đồn rằng “Idris Elba có thể là James Bond” nổi lên, mọi người điên đảo và thất vọng vì James Bond là người da trắng chứ không phải da đen, mắt nâu chứ không phải màu xanh da trời.
Tại sao mọi người lại nghiêng ngả như vậy? Vì không ai thích sự thay đổi cả! Và họ lại không ý thức được rằng để tồn tại, chúng ta cần thay đổi.
Một trong những lý do tại sao nhiều Hội Thánh đang đi xuống vì không có khả năng thay đổi hoặc thích ứng với một thời đại/văn hóa đang thay đổi. Một vài Hội Thánh Giám Lý Liên Hiệp ở Mỹ hiện đang trong tình trạng giống như những cỗ máy thời gian: Chỉ cần bạn bước vào Hội Thánh, ngay lập tức, bạn sẽ được quay trở lại những năm 70 và 80. Tôi tin rằng sứ điệp phúc âm luôn vĩnh cửu và vượt thời gian. Nhưng chúng ta không thể chia sẻ Lời Chúa theo cùng một phong cách, khuôn mẫu và phương pháp mà mọi người sử dụng ở những năm 70, 80 hay thậm chí 90. Làm sao bạn có thể hướng giới trẻ hát những bài hát trại hè ở những năm 80. Tại sao chúng ta cứ khăng khăng giữ những cái gọi là “truyền thống” và vẫn đặt tên cho buổi lễ thờ phượng là “phong cách hiện đại”?
Để tồn tại, chúng ta cần thay đổi nhưng để thay đổi, lại không hề dễ dàng vì nó thường khiến con người ta sợ hãi. Sự thay đổi thách thức chúng ta có một tương lai không chắc chắn. Bởi nếu mọi thứ thay đổi thì những thứ quen thuộc, an toàn, thoải mái và dễ chịu mà tôi từng có sẽ không còn nữa. Vậy thì còn lại gì cho tôi?
Một trong những rào cản lớn nhất khi có sự thay đổi trong các Hội Thánh địa phương của chúng tôi đó là sợ không biết tương lai sẽ thế nào. Vì thế, mặc dù biết cần phải thay đổi, nhưng ai cũng sợ. Một trong những tác động tiêu cực của sự sợ hãi đó là chúng ta cứ dính chặt vào những gì chúng ta đã làm được. Chúng ta tạo ra những con bò thiêng liêng từ những thứ không thực sự thiêng liêng như: màu sắc của tấm thảm, đồ nội thất nhà thờ, bảng treo Bài Cầu Nguyện Chung 100 năm bám đầy bụi. Điều này khiến tôi chợt nhớ đến dân sự Y-sơ-ra-ên sau khi họ vượt qua Biển Đỏ.
Dân Y-sơ-ra-ên nói với Môi-se và A-rôn rằng, “Ước gì chúng tôi chết bởi tay Đức Giê-hô-va trong đất Ai Cập khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh no nê! Nhưng hai ông lại dẫn chúng tôi vào trong hoang mạc nầy để cả đoàn dân phải chết đói.” (Xuất Ai Cập Ký 16:3)
Dân Y-sơ-ra-ên muốn là nô lệ trong Ai Cập hơn là được tự do kèm theo một tương lai không chắc chắn – mặc dù Đức Chúa Trời ở cùng và dẫn dắt họ; cũng như chính họ đã được kinh nghiệm phép lạ vượt qua Biển Đỏ.
Họ than thở, “Ít nhất là tại Ai Cập, chúng tôi còn có đồ ăn.”
Tôi thấy rất thú vị khi nhận ra rằng họ dễ dàng nghĩ về đồ ăn (thịt và bánh) nhưng lại không đề cập đến việc họ là nô lệ tại đó.
Thông thường, một tương lai chưa biết trước thường khiến mọi người sợ hãi hơn là phải mắc kẹt trong quá khứ – dù quá khứ khủng khiếp đến mức nào – bởi vì ít nhất là họ đã quen với điều đó rồi. Họ muốn đối mặt với “kẻ thù” mà họ từng biết hơn là đối mặt với một tương lai có khả năng là vô vọng.
Thay vì tập trung vào vùng đất hứa nơi đượm sữa và mật, thì họ lại không nhìn xa hơn mà chỉ chăm chăm vào tình hình hiện tại. Vì thế họ muốn quay về quá khứ.
Tôi mong muốn có thể trả lời cho các bạn về cách giải quyết việc các Hội Thánh cũng đang than thở giống như dân sự Y-sơ-ra-ên khi cần phải có sự thay đổi. Giống nhiều đồng nghiệp của tôi, tôi đang cố gắng điều chỉnh sự căng thẳng và sợ hãi của quá khứ và tương lai, mặc dù nhiều ngày qua đi rồi mà tôi vẫn chưa làm tốt lắm.
Tôi nhớ lại lời Andy Stanley nói: “Khải tượng đúng sẽ luôn lan tỏa.”
Hội Thánh có khải tượng/sứ mệnh rõ ràng và súc tích là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là khi tất cả mọi người cùng hướng đến khải tượng và sứ mệnh đó chứ không chỉ có mục sư và ban chấp sự. Nhiệm vụ của chúng ta là nhắm đến mục đích to lớn hơn mà Đức Chúa Trời đã hoạch định cho Hội Thánh và luôn nhắc nhở mọi người rằng Đức Chúa Trời là Đấng thành tín. Phụ thuộc vào chúng ta – những người lãnh đạo cần biết phân biệt khi nào nên nhẹ nhàng hoặc gõ vào đầu các tín hữu (tất nhiên bằng tình yêu thương và ân điển) để nhắc họ về mục đích và nhiệm vụ Đức Chúa Trời muốn chúng ta hoàn thành.
Đức Chúa Trời cung ứng cho Y-sơ-ra-ên bởi Ngài là Đức Chúa Trời luôn thành tín.
Xin Chúa – Nguồn của mọi sự – ban cho anh chị em sức mạnh, can đảm, sự khôn ngoan và ân điển trong Đức Chúa Trời khi anh chị em dẫn dắt dân sự mình sống và làm theo khải tượng Chúa giao cho.
Tin bài: Đài Trang
Lược dịch từ: Ministrymatters.com
ĐÔI ĐIỀU VỀ TÁC GIẢ
Joseph Yoo sống tại Santa Barbara, California, nơi mà anh thực sự được tận hưởng vẻ đẹp của những kỳ quan do Thiên Chúa sáng tạo – đó là thời tiết trong lành và những bãi biển tuyệt đẹp. Anh đang phục vụ ở Hội Thánh Giám Lý Liên Hiệp thánh Mác (Mark United Methodist Church), nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, xin ghé thăm trang www.josephyoo.com.