VECC – Cha mẹ giống như người làm vườn của đức tin, không kiểm soát được việc hạt giống có lớn lên hay không, mà chính Đức Chúa Trời làm cho lớn lên. Nhưng người làm vườn chăm sóc đất, tưới nước, cắt cỏ dại, và đảm bảo chắc chắn cây nhận được đủ lượng ánh sáng mặt trời.
Người ấy mang đến một môi trường tốt nhất trong khả năng của mình, sử dụng tất cả những công cụ và những hiểu biết mình có. Người làm vườn không thể bảo đảm sự phát triển, tạo nên sự phát triển, hay ra lệnh cho nó phải lớn lên, nhưng người ấy nuôi dưỡng nó, chăm sóc và hy vọng.
Không có sự rèn tập nào trong gia đình đem đến nhiều ích lợi hơn là việc thờ phượng Chúa chung hàng ngày. Cũng như hai nhân viên ngân hàng ở với nhau không tạo nên một ngân hàng; nên hai hoặc nhiều hơn Cơ Đốc nhân sống cùng nhau không tạo nên một gia đình Cơ Đốc. Mà chính những sự trao đổi xảy ra trong ngân hàng, hay trong một gia đình, mới định nghĩa về nơi đó.
Sự thờ phượng của Cơ Đốc nhân là điều chúng ta làm. Sự thờ phượng định nghĩa Hội Thánh và đời sống cá nhân của chúng ta, và điều ấy cũng nên được đặt để trong mỗi gia đình. Sự thờ phượng trong gia đình đã trở thành một truyền thống ở Hội Thánh Tin Lành. Cùng với các buổi thờ phượng nhóm và cá nhân, buổi thờ phượng gia đình cũng được coi là một trong những thói quen trong đời sống Cơ Đốc nhân, và lợi ích nó đem lại là lợi ích đời đời.
Tâm điểm trong gia đình Cơ Đốc
Tất nhiên, mọi hoạt động đều diễn ra trong gia đình chúng ta. Gia đình tôi thích chơi trò chơi, nấu ăn cùng nhau và xem các video hài hước. Mặc dù tôi yêu thích tham gia vào những hoạt động này cùng vợ và các con, song tôi hi vọng không một điều gì trong chúng trở thành tâm điểm của gia đình và cuộc sống của chúng tôi.
Là một Cơ Đốc nhân, tôi mong muốn và cần Đấng Christ là trung tâm. Một trong những lợi ích tuyệt vời nhất của buổi thờ phượng gia đình là cơ hội để truyền thêm đức tin cho con trẻ. Đây là đặc ân được đặt ra trước các bậc phụ huynh là Cơ Đốc nhân.
Giúp con trẻ hi vọng
Tôi thường nghĩ đến Thi Thiên 78 khi nghĩ đến sự thiết yếu của việc truyền lẽ thật của Chúa cho con trẻ. Trước giả A-sáp nói rằng ông sẽ nói “Những điều chúng ta đã nghe biết, và tổ phụ đã thuật lại cho chúng ta. Chúng ta sẽ chẳng giấu các điều ấy với con cháu chúng ta, nhưng sẽ thuật lại cho thế hệ tương lai vinh quang của Đức Giê-hô-va cùng quyền năng Ngài, và các phép mầu mà Ngài đã làm.” (Thi Thiên 78:3-4). Tại sao lại như vậy? “Hầu cho con cháu họ để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, không quên các công việc Ngài, nhưng gìn giữ các điều răn của Ngài.” (Thi Thiên 78:7).
Chẳng phải đây là mong muốn sâu thẳm nhất của cha mẹ Cơ Đốc nhân hay sao? Chúng ta mong đợi được nhìn thấy các con đặt hi vọng nơi Chúa và sống theo sự dẫn dắt của lời Đức Chúa Trời.
Buổi thờ phượng gia đình mang đến cho con trẻ (và cả chính chúng ta) sự gặp gỡ hàng ngày với Đức Chúa Trời của ân điển và lẽ thật. Qua những hoạt động của buổi thờ phượng gia đình, chúng ta đem con trẻ của đến trước Đấng Christ và đặt chúng trong đường lối của ơn phước Ngài. Giống như những người cha mẹ trong Mác 10:13, người ta đem con trẻ đến với Đức Chúa Giê-xu để được Ngài ban phước, chúng ta đưa con trẻ đến với Ngài mỗi ngày.
Người làm vườn của đức tin
Đương nhiên, điều này không có nghĩa chúng ta có thể mang lại sự cứu rỗi hoặc khiến Đấng Christ ban phước cho chúng – sự cứu rỗi chỉ đến bởi ân điển của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:8-10) – nhưng là bậc làm cha, làm mẹ, chúng ta có được đặc ân cũng như trách nhiệm để mang đến một môi trường tốt nhất cho sự tăng trưởng của con trẻ trong Đấng Christ.
Điều ấy rất giống với công việc làm vườn. Người làm vườn không kiểm soát được việc hạt giống có lớn lên hay không. Chính Đức Chúa Trời làm cho lớn lên. Nhưng người làm vườn chăm sóc đất, tưới nước, cắt cỏ dại, và đảm bảo chắc chắn cây nhận được đủ lượng ánh sáng mặt trời (1 Cô rinh tô 3:5-7). Người ấy mang đến một môi trường tốt nhất trong khả năng của mình. Người ấy sử dụng tất cả những công cụ và những hiểu biết mình có. Người làm vườn không thể bảo đảm sự phát triển, tạo nên sự phát triển, hay ra lệnh cho nó phải lớn lên, nhưng người ấy nuôi dưỡng nó, chăm sóc và hy vọng.
Trong buổi thờ phượng gia đình, các thành viên quây quần quanh lời Chúa và cùng cầu nguyện. Chúng ta tạo nên một bầu không ích lợi khi chúng ta cùng nhau gặp gỡ Đấng Christ hàng ngày bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Chúa hứa ban phước cho con cái Ngài qua lời của Ngài và lời cầu nguyện. Vậy nên, là người làm cha làm mẹ, cách chúng ta mang lại phước lành cho con trẻ không phải bằng việc phát minh ra những cách mới mẻ để đưa trẻ đến với Chúa; mà chúng ta đơn giản đặt con trẻ trong đường lối của lời Chúa và lời cầu nguyện. Nhưng nếu đang không làm điều đó một cách thường xuyên, có cấu trúc và mục đích, rất có thể chúng ta thấy rằng mình đang làm nhiều mà thực tế thì chưa được như vậy.
Gọi đó là niềm vui thích
Buổi thờ phượng gia đình không hề khó khăn. Nó không phải là tên lửa. Hãy dành ra 10 phút mỗi tối. Sau bữa ăn tối, hãy cùng nhau dọn dẹp bàn ăn, đến phòng sinh hoạt chung, cùng mở Kinh Thánh ra, đọc một đoạn ngắn và cùng nhau cầu nguyện.
Chỉ cần thế thôi!
Không cần phải mất quá nhiều thì giờ – có lẽ vậy, nếu bạn mới chỉ bắt đầu việc này thì không nên. Khi gia đình bạn được tăng trưởng hơn qua sự rèn tập đơn giản này, bạn có thể bắt đầu đặt những câu hỏi, thảo luận về những phân đoạn được đọc, và hát các bài hát thánh ca và thi thiên cùng với nhau. Cho dù bạn muốn thêm bất kể điều gì vào việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, tránh khiến nó trở nên phức tạp hơn nhé!
Không cần phải quá đáng sợ, hay quá khó. Điều đó thật sự không cần thiết. Mỗi khi chúng ta vui mừng đón chào sự hiện diện của Chúa, mục đích của chúng ta không phải là thêm vào các lễ nghi tôn giáo, mà để tận hưởng sự vui thỏa trong Đức Chúa Trời (Ê-sai 58:13). Hãy tưởng tượng điều đó sẽ có ý nghĩa như thế nào nếu trẻ gọi buổi thờ phượng gia đình là một niềm vui thích! Tất nhiên không phải lúc nào điều nay cũng xảy ra (với bạn và với các con), nhưng là cha mẹ, chúng ta nên làm những gì có thể để loại bỏ những rào cản trong sự vui thỏa trong Đấng Christ (Ma-thi-ơ 11:30; 23:4)
Nếu bạn có lỡ một buổi tối, hoặc là ba buổi tối, hoặc một tuần đi chăng nữa, hãy bắt đầu lại ngay khi có thể. Nó không phải là một bánh xe cần được quay lại, hay một dự án khổng lồ cần bắt đầu lại từ đầu. Đây là ân điển Chúa dành cho con cái Ngài, chứ không phải là một gánh nặng.
Trong buổi thờ phượng gia đình, chúng ta đơn giản là đặt bản thân mình và các con nơi đường lối phước lành của Đấng Christ. Hãy thử làm điều đó đi! Tôi hứa rằng nó không hề khó. Dần dần, sự thực hành việc thờ phượng gia đình sẽ thay đổi chính gia đình của bạn, và thay đổi cuộc đời bạn nữa. Bằng việc đến với Chúa Giê-xu mỗi ngày, không chỉ trong lúc tĩnh nguyện cá nhân, nhưng là với cả gia đình, Đấng Christ sẽ đổ đầy phước lành cho đến đời đời.
Tin bài: Mục vụ truyền thông – HTTL Giao Ước Việt Nam
Lược dịch từ: DesiringGod.org