BBT: Lưu ý tất cả các bài viết của các tác giả tại đây không nhất thiết là quan điểm của cả Hội Thánh.
Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Khi đọc sáng thế ký từ đoạn 1:1 đến đoạn 2:3 và Đoạn 2: 4-25, chúng ta thấy có những sự khác biệt đến nỗi nhiều người cho rằng đây là sự lộn xộn; có người nói có hai thuyết sáng tạo trong Sáng Thế ký, Có người ngoài đạo nói Chúa lẩm cẩm khi sáng tạo loài người ở chương 1 rồi lại sáng tạo lại ở chương 2. Vậy giải thích cho điều này như thế nào?
Chúng ta rất dễ thấy cả hai đoạn này đều cho thấy công cuộc tạo dựng đã hoàn tất, gốc tích trời và đất, muôn vật, chim thú, loài người (Nam, Nữ) đều được hoàn tất. Cả hai đoạn Kinh Thánh đều nói Đức Chúa Trời “dựng nên” chứ không ký thuật là tiến hóa. Nhưng có những Những điểm khác nhau như sau:
– Sáng 1: 1-2: 3: Thuật lại chi tiết từng ngày Đức Chúa Trời tạo dựng trong khi 2: 4-25 thuật lại những điểm chính yếu dù có nhắc đến gốc tích trời đất, chim thú, con người.
– Sáng 1: 1-2: 3: cho biết Đức Chúa Trời tạo dựng con người theo “hình Ngài và tượng Ngài” trong khi 2: 4-25 thì cung cấp chi tiết cho chúng ta biết con người được tạo dựng là do Đức Chúa Trời nắn nên từ bụi đất và Ngài hà sinh khí vào hai lỗ mũi để loài người trở nên một loài sinh linh. Và cũng nhờ có 2: 4-25 mà chúng ta biết các loài vật cũng được Chúa dùng đất nắn lên, nhưng chúng không như con người vì chúng không được mang “hình Ngài và tượng Ngài”.
– Sáng 1: 1-2: 3 cung cấp cho chúng ta mục đích sống Đức Chúa Trời ban cho con người là sinh sản, đầy dẫy, quản trị v.v. Phân đoạn này cũng cho biết Chúa ban cho con người tất cả mọi thứ còn 2: 4-25 cung cấp cho chúng ta vê nguyên tắc sống là không được ăn trái biết điều thiện điều ác. Hay nói cách khác chúng ta đã thấy có mệnh lệnh của Chúa ở đoạn này và nó cũng có tính án luật khi nó mô tả hậu quả nếu A-đam bất tuân.
– Sáng 1:1-2: 3 cung cấp cho chúng ta biết mọi sự Chúa tạo ra đều tốt lành, nhưng 2: 4-25 Chúa nói chi tiết một điều “không tốt” là loài người ở một mình. Trong đó Sáng 1: 1-2: 3 nêu Chúa đã hoàn tất việc dựng nên người Nam và người Nữ còn Sáng 2: 4-25 mô tả chi tiết là người Nữ được tạo dựng như thế nào và yếu tính trong hôn nhân là hai người lìa cha mẹ để trở nên một thịt. Sáng 1: 1-2: 3 không cho chúng ta biết người Nam, Nữ tên là gì nhưng Sáng 2: 4-25 lại mô tả chi tiết là A-đam và Ê-va. Tất nhiên một điều đáng lưu ý nữa mà chúng ta biết đó là tình trạng của hai người ngay lúc bấy giờ cả hai trần truồng nhưng không xấu hổ, không phạm tội.
– Sáng 1: 1-2: 3 cho biết đến danh của Đức Chúa Trời (Elohim) còn Sáng 2: 4-25 cho chúng ta thấy sự ghép danh Chúa là: Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Jehovah Elohim).
– Điểm khác biệt gây tranh cãi là sự sắp đặt ở Sáng 2: 4-25 gây lộn xộn vì những sự việc sáng tạo có vẻ diễn ra ở phần sau nhưng thực tế đã diễn ra ở chương 1.
Giải thích
Việc có sự khác nhau như vậy là có chủ ý của trước giả, trước giả muốn trình bày một loạt sự kiện, một loạt hành động từ “khởi đầu” cho đến khi hoàn tất và rồi sau đó mô tả chi tiết các vấn đề. Và tùy thuộc vào trọng tâm mà trước giả muốn độc giả chú ý là gì. Do đó chúng ta thấy có sự khác nhau giữa hai phân đoạn do sự nhấn mạnh của ý tưởng mà trước giả muốn nhắm đến. Chúng ta có thể lấy ví dụ: Trong phần Sáng 1: 1-2: 3, trước giả muốn người đọc biết ai là Đấng dựng nên người Nam, người Nữ? Loài người được theo khuôn mẫu nào, mục đích sống để làm gì? Và đương nhiên phần này phải nói trước rồi mới mô tả là những phần sau như: “chất liệu dùng để tạo dựng”, cách tạo dựng như thế nào? cũng như phải sống theo nguyên tắc nào? của ai? Nói chung chúng ta có thể hiểu phải “có cái gì” trước tiên rồi mới mô tả, diễn giải, phân tích “như thế nào” ở phần sau nhất là ở chương 2, nội dung hàm ý muốn tập trung vào A-đam và Ê-va. Cũng có thể trước giả nhấn mạnh ở chương 1 tới Đức Chúa Trời, ở chương 2 tập trung đến con người trong sự tạo dựng.
Một số nhà nghiên cứu như Weiser cho rằng có lẽ là có hai nguồn khác nhau, hai sự kiện khác nhau, hai cộng sự khác nhau .v.v. hoặc Ngũ Kinh không thể là công việc của một người, do đó đã dẫn đến 2 phân đoạn như trên[1]. Một số học giả cho rằng có sự lẫn lộn trong sự sắp đặt, hay là sự xáo trộn về sự sáng tạo, từ đó đưa họ đến Các Tài Liệu Giả Thuyết (hay JEDP): Nguồn J – Jahweh: Các tài liệu từ Vương quốc Giu-đa, J là các bản văn được viết bởi một hoặc nhiều tác giả muốn sử dụng tên Do Thái Jahweh (Jehovah) để chỉ về Chúa. Nó được viết khoảng 900-850 BC. Nguồn E- Elohim: Tài liệu là những bản văn sử dụng danh Elohim cho Đức Chúa Trời và được viết vào khoảng 750-700 BC. Nguồn D- Deuteronomic (Phục truyền luật lệ ký), phần lớn được viết bởi một tác giả hoặc nhóm tác giả khác, có lẽ được viết trong khoảng thời gian cải cách của vua Giô-si-a vào năm 621 BC. Nguồn P-Priest: Nguồn từ thấy tế lễ, ký thuật lịch sử, nghi lễ thờ phượng, gia phả.. như các bản văn ở sách Lê-vi và những nơi khác trong Ngũ Kinh được viết bởi một hay nhiều thầy tế lễ trong thời lưu đầy ở Babylon sau năm 586 BC. Và người ta giả sử rằng khoảng 400BC, có một nhóm biên tập nào đó đã gộp lại để thành bộ Ngũ Kinh được như đã được biết đến trong thời Chúa Giê-xu. Tuy nhiên quan điểm này đã bị bác bỏ bởi các học giả như Bodie Hodge, Dr. Terry Mortenson. Tại đây nhóm học giả này đã trình bầy, chứng minh và khẳng định Ngũ Kinh đều do Môi-se viết.[2] Việc hướng suy nghĩ đến các tài liệu giả thuyết JEDP, một số học giả đã cho rằng trong khi Sáng thế ký 1:1 – 2: 3 thì được cho là bắt nguồn từ nguồn “P” còn Sáng 2: 4-25 được cho là một tài liệu thuộc nguồn “J” [3]. Tất nhiên đây cũng chỉ là quan điểm của mỗi người và thực tế không phải là như vậy. Mục vụ Compelling Truth cho rằng: Sáng thế ký 1: 1-2: 3 đơn giản cho chúng ta một bản tóm tắt về sự sáng tạo trong khi đó Sáng 2: 4-25 lại là một bản mô tả chi tiết về sự sáng tạo về A-đam và Ê-va[4].
Mặt khác, việc viết theo thứ tự, hay theo trình tự thời gian không phải là thứ mà người xưa phải luôn sử dụng hay ngày nay phải tuân thủ tuyệt đối… vì chính chúng ta ngày nay cũng viết như vậy. Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy rõ điều này ở nhiều phân đoạn khác. Ví dụ, chúng ta có thể quan sát sự kiện vua Đa-vít giết Gô-li-át tại I Sa-mu-ên 17: 48-58. Ở đây mô tả Đa-vít đã đánh thắng và giết Gô-li-át từ câu 48-54, nhưng đến câu 55 thì lại mô tả Đa-vít đi ra đón đánh Gô-li-át và sau đó là Sau-lơ hỏi Áp-ne xem có biết Đa-vít là ai hay không. Một quan điểm khác đến từ Tổng Giám mục Nguyễn Văn Khảm, vị Linh mục khẳng định 11 chương đầu của sách Sáng thế không phải là những chương sách viết theo thể văn lịch sử mà được viết để trình bầy nguồn gốc của thế giới, của nhân loại, tại sao có đau khổ, tại sao cái ác xâm nhập trần gian, tại sao có cái chết…
Một nhóm học giả như Gordon J Wenham; J A Motyer; D A Carson; R T France đều đồng thuận từ Sáng 2: 4-25 có sự khác biệt là trước giả muốn quay ngược trở lại tình trạng trước khi con người được dựng nên vào ngày thứ sáu (2: 4-7). Và cũng muốn nhấn mạnh về sự quan tâm của Đức Chúa Trời dành cho con người dù đã được đề cập trước đó ở 1: 29[[5]]. Samuel J. Schultz lại nhấn mạnh Sáng 2: 4-25 là đoạn phân biệt loài người quan trọng nhất trong toàn bộ công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời do đó tạo nên sự khác biệt ở hai chương[6].
Học giả Wayne Jackson cho biết thêm chính Chúa Giê-xu ủng hộ quan điểm truyền thống và không ủng hộ Tài Liệu Giả Thuyết hiện đại, Ngài kết hợp các trích dẫn từ Sáng thế ký 1: 27 và 2: 24 qua Ma-thi-ơ 19: 3-6 [[7]]. Chúng ta sẽ quan sát phân đoạn Kinh Thánh này:
“3Người Pha-ri-si bèn đến gần để thử Ngài, mà rằng: Không cứ vì cớ gì người ta có phép để vợ mình chăng? 4 Ngài trả lời rằng: Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, 5 và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? 6 Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!” (Ma-thi-ơ 19:3-6)
Qua phân đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-xu trình bày “hồi ban đầu” Đức Chúa Trời dựng lên người Nam, Nữ ( Ngài sử dụng trong 1: 27) và Đức Chúa Trời phán rằng lìa cha mẹ, trở nên một thịt … (Ngài sử dụng trong 2: 24) sự trình bày liền mạch, nhất quán của Chúa Giê-xu cho chúng ta tin tưởng rằng không có hai nguồn tài liệu về thuyết sáng tạo khác nhau mà chẳng qua là trước giả ký thuật với tư duy khác, với sự sắp đặt khác nhau theo mục đích muốn trình bày, muốn mô tả mà thôi.
Sự khác biệt về danh xưng của Chúa trong sáng thế ký 1 và 2 cũng có chủ ý để chúng ta có thể có sự hiểu về Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Trong Sáng thế ký 1: 1-2: 3 trước giả khi dùng Elohim (số nhiều) để chỉ Chúa, muốn phủ định những tư tưởng vô thần; đa thần vì động từ theo sau ở số ít và muốn trình bày Đức Chúa Trời tách biệt với tạo vật chứ không bị đánh đồng với tạo vật[8]. Còn Sáng 2: 4-25 lại mô tả danh xưng ghép Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Jehovah Elohim), đây không phải là danh có sự phân tách hoàn toàn nhưng nó mô tả chỉ có một Đức Chúa Trời nhưng có nhiều hơn một thân vị mà sau này chúng ta đều có thể nhận biết phần nào về mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ba Ngôi qua sự kết hợp giữa Cựu Ước, Tân Ước và vấn đề lớn này xin không trình bày tại đây.
Từ những sự phân tích trên, chúng ta thấy có rất nhiều sự tranh cãi nhưng đức tin của chúng ta không phụ thuộc vào những tranh cãi của các học giả. Quan trọng là cả hai đoạn Sáng thế ký 1, 2 đều được Chúa Giê-xu xác nhận là Lời Đức Chúa Trời qua cách Ngài sử dụng. Và với quan điểm cá nhân, người viết cho rằng không có hai nguồn, hay hai thuyết sáng tạo tách biệt trong Sáng thế 1: 1-2: 3 và Sáng thế 2: 4-25 dù khi mới nhìn qua người ta có thể cho rằng chúng được sắp xếp có vẻ như lộn xộn. Nhưng sự khác biệt ở đây chỉ là diễn giải mô tả theo chủ ý của trước giả ký thuật, hoặc sự nhấn mạnh của trước giả về nội dung mà trước giả muốn trình bày. Điều quan trọng cho thái độ của chúng ta ngày nay là chúng ta cần tôn trọng tất cả những quan điểm khác nhau dù nó có khác với mình. Với cách sử dụng Kinh Thánh từ Chúa Giê-xu, và sự công nhận luật pháp Môi-se của Ngài (Lu-ca 24:44) chúng ta có thể tái khẳng định sự liền mạch, ý tưởng của trước giả trong hai phân đoạn trên.
Bài viết Chấp sự Nguyễn Trọng Bình
_______________________________
Chú thích:
[1] Wayne Jackson, M.A, “Are There Two Creation Accounts in Genesis?”, Apologetics Press, http://apologeticspress.org/apcontent.aspx?category=6&article=1131
[2] Bodie Hodge & Dr. Terry Mortenson, “Did Moses Write Genesis?”, Answer In Genesis, https://answersingenesis.org/bible-characters/moses/did-moses-write-genesis/
[3] Wayne Jackson, ibid
[4] Compelling Truth, “Do Genesis 1 and 2 record two different creation accounts?”, http://www.compellingtruth.org/two-creation-accounts.html
[5] Gordon J Wenham; J A Motyer; D A Carson; R T France, Giải nghĩa kinh thánh: ấn bản thế kỷ 21. (Hà Nội : NXB Tôn Giáo, 2001), xin xem phần giải nghĩa sách Sáng Thế
[6] Samuel J. Schultz, Cựu Ước Phán Truyền, (BEE International,2007), p28
[7] Wayne Jackson, ibid
[8] Ryrie, Thần Học Căn Bản (TP Hồ Chí Minh: NXB Tôn Giáo, 2010), p219