VECC – Chủ nghĩa hoàn hảo là gánh nặng chúng ta phải đặt sang một bên trong cuộc chạy đua đức tin (Hê-bơ-rơ 12:1). Chúa không muốn chúng ta tập trung vào việc thể hiện hoàn hảo; mà muốn chúng ta tập trung vào việc sống với một đức tin phụ thuộc như con trẻ qua những hành động của tình yêu thương (Ga-la-ti 5:6)
Từ lâu người ta đã biết tới câu ngạn ngữ “Sự hoàn hảo là kẻ thù của cái tốt”. Gần đây, các chuyên gia đã thay đổi câu này đi một chút để nhấn mạnh về hệ quả: “Sự hoàn hảo là kẻ thù của sự hoàn thành”. Chúng ta đều hiểu ngụ ý trong những lời này. Tất cả chúng ta đều có những lúc bỏ việc mình có thể làm vì lo sợ không thể hoàn thành nó cách hoàn hảo. Chúng ta gọi đó là “chủ nghĩa hoàn hảo”
Điều gì thúc đẩy chủ nghĩa hoàn hảo?
Cái mà chúng ta gọi là chủ nghĩa hoàn hảo không giống như việc theo đuổi sự xuất sắc, mặc dù đôi khi rất khó để tách biệt. Khi chúng ta theo đuổi sự xuất sắc, chúng ta quyết tâm làm điều gì đó tốt nhất có thể trong khả năng, nguồn lực và thời gian giới hạn. Tuy nhiên, chủ nghĩa hoàn hảo lại là sự kiêu ngạo – hay sợ hãi – một cách ép buộc, nó khiến chúng ta bị bó chặt với sự ám ảnh cần làm thật hoàn hảo hoặc khiến chúng ta tê liệt chẳng làm được gì cả – cả hai đều gây ra sự thờ ơ có hại cho những điều tốt lành cần thiết hay tốt lành khác.
Vậy điều gì ở sau khuynh hướng cầu toàn của chúng ta? Chúng ta là những cá thể phức tạp, vì vậy nó khó có thể chỉ là một điều gì đó. Trong những trường hợp bất thường, nguyên nhân chính có thể là một rối loạn lâm sàng hoặc gánh nặng về mặt tâm linh. Nhưng như một quy luật, chủ nghĩa hoàn hảo gần như luôn có nguồn gốc từ mong muốn được công nhận và sợ bị từ chối của chúng ta. Nó có thể là nỗi sợ hãi chung thông thường về việc người khác nghĩ gì về chúng ta; hoặc nó có thể là một nỗi sợ méo mó có điều kiện về sự thất bại thấm dần vào suy nghĩ bởi thẩm quyền trong hiện tại hoặc quá khứ. Và nếu chúng ta thành thật, đôi khi đó là một cái cớ hợp lý để không phải làm điều khó. Nói cách khác, nó không hẳn là chủ nghĩa hoàn hảo, mà chỉ là sự nuông chiều bản thân sau lớp ngụy trang.
Chủ nghĩa hoàn hảo là một cám dỗ chung mà tất cả chúng ta phải đối mặt trong cuộc chiến chống lại tội lỗi. Và tin tốt lành là Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống trong tự do, thoát khỏi sự cai trị của nó trong đời sống.
“Bạn phải hoàn hảo”
Nhưng để hiểu và tin vào điều này, trước hết chúng ta phải hiểu được điều Chúa Giê-xu đã nói nghe có vẻ mâu thuẫn: “Thế thì các con phải nên toàn thiện như Cha các con ở trên trời là toàn thiện.” (Ma-thi-ơ 5:48). Điều này nghe chắc như một yêu cầu về sự hoàn hảo theo nghĩa đen. Và đúng là như vậy, mà cũng không phải vậy.
Chúa Giê xu, trong Bài giảng trên Núi, đã khẳng định rằng loài người (sa ngã) không thể đạt đến tiêu chuẩn này như: không tức giận, tà dâm, ly dị, thề thốt, trả thù, cũng như phải yêu thương kẻ thù nghịch chúng ta. Nhưng ngay trước khi Ngài đề cập đến phần “hoàn hảo” này trong bài giảng của mình, Chúa Giê-xu đưa ra cho chúng ta một gợi ý: “Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ luật pháp hay lời tiên tri; Ta đến, không phải để bãi bỏ nhưng để hoàn tất.” (Ma-thi-ơ 5:17). Chúa Giê xu đã đến để hoàn thành trọn vẹn sự toàn hảo thay cho chúng ta theo như mạng lệnh của Đức Chúa Trời.
Đó là lý do tại sao các trước giả Tân Ước viết những điều như “Vì nhờ một sinh tế duy nhất (Chúa Giê-xu), Ngài làm cho những người được thánh hóa trở nên toàn hảo mãi mãi.” (Hê-bơ-rơ 10:14). Đó chính là chìa khóa để hiểu được ý Chúa Giê-xu muốn nói, là chìa khóa để chúng ta được tự do khỏi sự khống chế của chủ nghĩa hoàn hảo. Bởi Chúa Giê-xu đã sống một cách trọn vẹn, Ngài chết, và đã sống lại vì chúng ta, Ngài đã mua lấy sự toàn hảo cho chúng ta. Và Đức Chúa Cha, dù biết hết thảy những tội lỗi còn lại, Ngài vẫn thấy chúng ta là công chính trong Đấng Christ. Trong mắt Chúa, chúng ta được hoàn hảo là bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu, giải phóng chúng ta khỏi nhu cầu cần có được sự công nhận từ Chúa hay bất cứ người nào khác qua sự hoàn hảo. Chúng ta được tự do kết nối cách không hoàn hảo trong cuộc chiến thánh chống lại tội lỗi!
Các thánh đồ bất toàn có trong Kinh Thánh
Trong Kinh Thánh không có đoạn nào khuyến khích chúng ta hướng đến chủ nghĩa hoàn hảo. Nhưng Kinh Thánh hứa – sự toàn hảo đã được chuộc bây giờ (2 Cô-rinh-tô 5:21) và sự toàn hảo trong tương lai (Khải Huyền 21:3-4) – như một món quà miễn phí của ân điển Chúa, để chúng ta được tự do thoát khỏi chủ nghĩa hoàn hảo.
Đó là lý do tại sao Chúa cho chúng ta thấy điểm yếu của những anh hùng đức tin trong Kinh Thánh. Áp-ra-ham, một ví dụ lớn của đức tin, có phân đoạn kể về A-ga. Môi-se, vị tiên tri vĩ đại của Đức Chúa Trời, có lúc không vâng phục Chúa bên tảng đá. A-rôn, thầy tế lễ thượng phẩm của Đức Chúa Trời, với sự việc con bò vàng. Đa-vít, vị vua đặc biệt của Chúa, có quan hệ bất chính với Bát-sê-ba. Phi-e-rơ, sứ đồ tuyệt vời của Đấng Christ, bộc lộ khiếm khuyết của ông trong các sách Phúc Âm và sau đó nữa (Ga-la-ti 2:11-14). Sách Công Vụ và các thư tín cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về những cuộc đời không toàn hảo của những Cơ Đốc nhân đầu tiên.
Chúa biết những cám dỗ và khuynh hướng đến sự toàn hảo của chúng ta, và vì vậy Ngài lấp đầy Kinh Thánh bằng những câu chuyện về ân điển tuyệt vời và sự kiên nhẫn của Ngài với những tội nhân, những người tiếp tục chiến đấu với tội lỗi một cách bất toàn, rồi vấp ngã trong suốt đời sống trên đất của họ. Ngài muốn chúng ta biết rằng sự hoàn hảo trong hành động cũng như động lực hoàn toàn nằm ngoài kinh nghiệm của chúng ta bây giờ.
Sống tự do khỏi chủ nghĩa hoàn hảo
Chúa có điều gì đó tốt hơn để chúng ta phấn đấu hơn là suy tưởng về sự hoàn hảo của chính mình, mà cuối cùng nó sẽ chỉ biến chúng ta thành nô lệ. Chủ nghĩa hoàn hảo có vẻ hay đấy, nhưng nguy hiểm lớn là sự tự định hướng bản thân. Một khi nó được thúc đẩy bởi lòng tự cao hoặc sợ hãi để có được sự công nhận, thì thực tế nó chỉ tập trung vào bản thân, không phải Chúa hay ai khác. Nói cách khác, chủ nghĩa hoàn hảo, ngay cả trong cuộc chiến chống lại tội lỗi, không hề được thúc đẩy bởi tình yêu thương hay đức tin. Và “bất cứ điều gì không đến từ đức tin thì là tội lỗi” (Rô-ma 14:23).
Nhưng Chúa muốn chúng ta được tự do – tự do khỏi sự khống chế của lòng kiêu ngạo và sợ hãi. Ngài muốn chúng ta sống tự do trong sự nhận biết rằng Ngài che phủ hết những vấn đề về sự hoàn hảo trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai của chúng ta. Trong cuộc chiến không ngừng chống lại tội lỗi, Chúa không tìm kiếm biểu hiện bên ngoài hay động cơ bên trong hoàn hảo; mà Ngài tìm kiếm tình yêu thương và đức tin.
Bạn được tự do để chiến đấu theo cách không hoàn hảo
Đức Chúa Trời đang kêu gọi chúng ta đến với trải nghiệm mới mẻ tuyệt vời khi thôi chú ý vào bản thân và cách chúng ta cố gắng đạt kỳ vọng, mà tập chú vào Chúa Giê-xu (Hê-bơ-rơ 12:2). Ngài muốn chúng ta ngừng việc theo đuổi hoặc bị tê liệt bởi chủ nghĩa hoàn hảo để chúng ta được tự do theo đuổi tình yêu thương (1 Cô-rinh-tô 14:1, 1 Ti-mô-thê 1:5) và theo đuổi sự tin cậy Chúa hết lòng (Châm Ngôn 3:5). Và nếu chủ nghĩa hoàn hảo có ảnh hưởng mạnh lên chúng ta, Chúa sẽ thương xót tạo lên những hoàn cảnh để đánh bại những nỗ lực tốt nhất của chúng ta chống lại tội lỗi “thành công” cho đến khi chúng ta hiểu được sự tự do của chúng ta đến từ đâu. Trong Đấng Christ, bạn được tự do! Bạn được tự do bước theo Chúa Giê-xu dù không toàn hảo. Bạn có quyền tự do chiến đấu chống trong đức tin dù còn khiếm khuyết, bởi đó là cách duy nhất bạn sẽ chiến đấu cho đức tin.
Chủ nghĩa hoàn hảo là gánh nặng chúng ta phải đặt sang một bên trong cuộc chạy đua đức tin (Hê-bơ-rơ 12:1). Chúa không muốn chúng ta tập trung vào việc thể hiện hoàn hảo; mà muốn chúng ta tập trung vào việc sống với một đức tin phụ thuộc như con trẻ qua những hành động của tình yêu thương (Ga-la-ti 5:6)
Tin bài:Mục vụ truyền thông – HTTL Giao Ước Việt Nam
Lược dịch từ: DesiringGod.org