Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 5: 3- 12
Câu gốc: Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiêng đàng là của những kẻ ấy! (Ma-thi-ơ 5: 3)
Giới thiệu
Loài người được sinh ra trong đời, được Đức Chúa Trời tạo dựng nên trong một hình hài tuyệt diệu; ngoài Ngài ra không ai có thể làm được. Sống trong thế gian, mỗi người dường như đề phải bươn chải trong cuộc sống vì sự tồn tại của chính mình. Có người được may mắn giàu có, thịnh vượng; cũng có kẻ “đầu tắt mặt tối” mà vẫn ở trong cảnh cơ hàn, cơm không đủ ăn, aó quần không đủ mặc. Lại có kẻ quá giàu sang phú quý, nhưng lại đi tìm cái chết. Bên cạnh đó, nhiều người không giàu, không nghèo là lại sống ung dung tự tại. Như vậy, sống trong đời này ai là người được phước?
Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong “Bài Giảng Trên Núi” của Chúa Jêsus về “Các phước lành.” Đây là bài giảng ngắn, cô đọng các ý nghĩa về chữ “phước” vỏn vẹn trong 10 câu.
I. Phước cho kẻ có lòng khó khăn và than khóc
Trước hết chúng ta cần hiểu chữ phước ở đây có nghĩa là gì? Cái phước của người thế gian, là những người chưa tin Chúa thì cho rằng: Phước là con cái đông đúc, là tiền bạc rủng rỉnh đầy túi, là nhà cao cửa rộng, là điạ vị xã hội như bác sĩ, kỹ sư, là nắm giữ các chức vụ quan trọng trong guồng máy chính quyền, là ăn trên ngồi trước v.v…Trong thời đại phong kiến của người Việt Nam ta, phước có nghĩa là được làm vua hay các quan trong triều đình. Có quyền sinh sát trong tay, vua muốn giết ai thì giết, “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.” Chưa hết, còn chuyện hôn nhân thì ngoài hoàng hậu ra, còn có cung phi mỹ nữ, cả trăm, cả nghìn, tha hồ vui thú trăng hoa! Đó là quan niệm chữ phước của vua chúa trong các triều đại xa xưa.
Đối với người Việt chúng ta ngày nay, vẫn còn giữ tập tục đã có lâu đời từ xa xưa, không rõ vào thời kỳ nào. Cứ mỗi năm vào ngày đầu của Tết âm lịch, vào giờ đầu tiên trong ngày, lúc sáng tinh mơ, người người rủ nhau đi hái lộc đầu xuân, đến Chùa lễ Phật, xin xăm, bói quẻ đầu năm, chọn hướng tốt để xuất hành. Chuẩn bị những lời chúc tụng tốt lành cho những người gặp mặt đầu tiên.
Thưa quý ông bà anh chị em! Những lời chúc ấy có thực sự đến với chúng ta không? _ Chắc chắn là không. Nó chỉ mang tính giao tế xã hội, thể hiện một nét văn hoá đẹp trong ngôn ngữ hoặc thư tín trao đổi với nhau mà thôi. Đó không phải là nguồn phước mà con dân Chúa tìm kiếm hay mong đợi.
Chữ phước đối với Cơ đốc nhân là con cái của Chúa hoàn toàn khác hẳn. Phước tức là phước hạnh của cuộc sống bình an, vui thỏa trong luật pháp của Chúa. Cái phước không nằm ở sự giàu sang hay nghèo hèn, điạ vị xã hội cao hay thấp, đẹp hay xấu. Nhưng phước chính là niềm hy vọng được bước vào thiên đàng, biết chắc mình được cứu rỗi bởi Chúa Jê-sus. Trong cuộc sống cũng giống như mọi người, cũng làm lụng để sinh tồn, cũng ốm đau, bệnh tật. Nhưng con cái Chúa vẫn được phước vì trong mọi biến cố đều có sự hiện diện của Đức Chúa Trời, là Đấng yêu thương, luôn quan phòng, chăm sóc, giúp đỡ chúng ta. Cái phước ở đây chỉ có con dân của Chúa thật lòng tin cậy Ngài thì mới nhận được. Phước là không đồng tình với kẻ ác để làm điều gian giảo, không toa rập với kẻ nhạo báng, song , ham mê học hỏi lời Chúa và sống trong luật pháp của Ngài. Trong Thi Thiên thứ nhất, cho chúng ta ý niệm chữ phước rất rõ ràng:
“Phước cho người nào chẳng theo mưu kế kẻ dữ
“Chẳng đứng trong đường tội nhân
“Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng;
“Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va
“Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.
(Thi Thiên 1: 1-4)
1. Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! (Câu 3)
Lòng khó khăn có nghĩa là gì? Chúng ta hãy để ý chữ lòng ở đây. Chúa Jê-sus không nói: “Phước cho người nghèo khổ!” Nhưng Chúa muốn nói đến những kẻ có lòng khó khăn tức là sự nghèo ngặt tâm linh. Đời sống tâm hồn bị chao đảo, xáo trộn, nhận thấy được những yếu đuối, tội lỗi, bất toàn ở bên trong con người mình. Nói cách khác, con người nhận ra sự bất an trong tâm trí, lòng quặn thắt đau đớn, bị dằn vặt bởi những điều không công chính, làm tổn thương những người thân yêu, bị cám dỗ bởi vẻ đẹp, thiếu trong sạch trong suy nghĩ và hành động, v.v… Nhưng, không biết làm cách nào để giải tỏa nỗi niềm, không biết ai có thể làm tan biến những mặc cảm tội lỗi ấy. Khi họ biết Chúa, thờ phượng Chúa, thì họ có Đấng để dâng trình tội lỗi lên cho Ngài, ăn năn thống hối và tin chắc sẽ được tha. Vua Đa-vít là trường hợp điển hình của một tấm lòng khó khăn; và được phước bởi sự nhân từ tha thứ của Đức Chúa Trời.
” Đức Giê-hô-va ôi! xin chớ nổi thạnh nộ mà trách tôi,
” Chớ sửa phạt tôi trong khi Ngài giận phừng.
” Hỡi Đức Giê-hô-va, xin thương xót tôi, vì tôi yếu mỏn;
” Lạy Đức Giê-hô-va, xin chữa tôi, vì xương cốt tôi run rẩy.
” Đức Giê-hô-va ôi, linh hồn tôi cũng bối rối qua đỗi.
” Còn Ngài, cho đến chừng nào?
” Lạy Đức Giê-hô-va, xin hãy trở lại, giải cứu linh hồn tôi
” Hãy cứu tôi vì lòng nhân từ Ngài.
(Thi-Thiên 6: 1-5)
2. Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi (C. 4)
Than khóc ở đây không phải là than khóc cho thân phận nghèo hèn, cho kiếp người bèo bọt, cho số phận lênh đênh; hay vì “phận gái mười hai bến nước,” để rồi mong mỏi được người đời yên ủi, vỗ về. Than khóc ở đây không phải vì những ước muốn cá nhân vị kỷ, không được thỏa mãn trong gia đình, xã hội, cộng đồng. Nói cách khác những quyền lợi cá nhân của mình không được đáp ứng. Than khóc ở đây cũng chẳng phải là khóc cho những mối tình tan vỡ, những cuộc chia lìa giữa người sống và kẻ chết.
Than khóc mà Chúa Jesus đề cập ở đây chính là khóc cho sự nghèo khó tâm linh của mình. Than khóc khi nhận ra những lỗi lầm, tình trạng băng hoại của đời sống buông thả, sự xấu xa của bản ngã bị cám đỗ bởi tình dục, bởi thói hư tật xấu, bởi “sự mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời.” Người thế gian không nhận được phước từ nơi Chúa; bởi vì họ sống trong tội lỗi, giết người cướp của, “thù ghét, tranh đấu, bẻ đảng, say sưa.” Nhưng họ vẫn thản nhiên, ung dung tự tại bởi vì luơng tâm họ đã chai lỳ; họ không nhìn biết Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy tất cả; và Ngài sẽ báo trả tùy theo tay công việc của mỗi người đã làm.
Còn con dân Chúa được phước, vì biết nhận ra mình lõa lồ, tội lỗi và biết đau đớn, lương tâm bị cắn rứt, giày vò bởi những sai trật trong đời sống. Họ ghê sợ tội lỗi và ghê sợ chính mình để rồi thèm khát sự công chính, tìm kiếm nếp sống thiện lành; mong được Đức Chúa Trời tha thứ để hưởng được sự cứu rỗi. Những kẻ biết than khóc, biết ăn năn tội lỗi của mình, quyết nhờ cậy Chúa để nhận được sự tha thứ, và có đời sống tốt đẹp hơn. Đó là người được phước!
Có lẽ chúng ta còn nhớ câu chuyện mà nhiều lần tôi đã đề cập đến: Vua Đa-vít sau khi phạm tội tà dâm cùng Bết-sê-ba, người đàn bà đã có chồng, vua đã giết chồng bà bằng một âm mưu khá gian ác. Khi được tiên tri của Đức Chúa Trời cảnh cáo, vua Đa-vít nhận ra lỗi lầm và ăn năn thống hối. Vua đã than khóc cho tội lỗi của chính mình và cầu xin Ngài tha thứ.
“Đức Chúa Trời ôi!xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhân từ của Chúa;
“Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi tùy lòng nhân từ của Chúa.
“Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác,
“Và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi.
“Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tội,
“Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi.
Sau khi xưng tội lỗi của mình cùng Chúa, thì Đa-vít tin rằng Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho ông. Và, tất nhiên ông là người được phước!
“Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dễ đâu”
(Thi- Thiên 51: 17).
Là con dân Chúa, cho dù thời gian tin Chúa có thể nửa đời người hay nhiều hơn thế nữa, điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn phạm tội với Đức Chúa Trời. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta có biết ăn năn thật sự hay không? Có xé lòng của mình, mà cầu xin Chúa thương xót, có biết than khóc cho những lỗi lầm của mình không; hay lúc nào cũng che lấp; khoác lên mình chiếc áo đạo đức, tự mãn mình là người có đời sống thuộc linh mẫu mực, cao trọng hơn những người khác? Chúng ta hãy nghe lời Chúa cảnh cáo trong (Ma-thi-ơ 7: 21- 23):
“Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ những kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? Nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao?Và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta.”
“Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.”
Mỗi con dân của Chúa khi đối diện với lời của Ngài mà chúng ta tra xem mỗi ngày; liệu có tin chắc mình sẽ được vào thiên đàng hay không? Đó là câu hỏi quan trọng giúp mỗi con cái Chúa phải cẩn thận trong đời sống của mình. Vì vậy, hãy biết than khóc cho tội lỗi của chính mình và cầu xin Chúa thứ tha. Chúa Jesus đã phán điều gì với những người đàn bà đi theo sau đấm ngực khóc lóc, khi Ngài bị điệu đến đồi Gô-gô-tha để chịu đóng đinh:
“Hỡi con gái thành Jê-ru-sa-lem, đừng khóc lóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi.”
(Lu-ca 23: 28)
Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta có lòng ăn năn, biết đau thương khóc lóc cho những tội lỗi của chính mình, con cái mình, gia đình mình, hội thánh mình, dân tộc mình. Có như thế chúng ta sẽ nhận được sự tha thứ dồi dào bởi ân điển của Chúa. Hãy lắng nghe tiếng của Đức Thánh Linh êm dịu phán với chúng ta rằng: Tội lỗi con đã được tha. Hãy đứng dậy bước theo ta! Cổng thiên đàng đang rộng mở đón chào con.
II. Phước cho kẻ nhu mì, đói khát sự công bình, hay thương xót, có lòng trong sạch (C. 5-8)
1. Phước cho kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất (C. 5)
“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”
(Ma-thi-ơ 11: 29)
Nói thì rất dễ, nhưng giữa lý thuyết và thực hành là một chuyện khác. Mỗi chúng ta có lẽ ai cũng đã từng vấp phạm điều này: thiếu sự nhu mì! Con người vốn dĩ yếu đuối vì bản chất của nó. Có ai trong chúng ta không sợ chết, sợ bị bỏ rơi bởi người thân yêu, sợ bịnh tật, chết chóc, sợ nghèo túng,v.v… Nhưng, một khi cuộc sống bắt đầu thay đổi về vật chất, điạ vị, bằng cấp thì sự nhu mì dần dần biến mất; mà thay vào đó là lòng tự cao cộng với sự cố chấp và cứng cỏi.
Đây là chứng bịnh trầm kha khó chữa. Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy những kẻ giàu có, quyền lực thường hay xẳng xớm vì cho rằng tiền bạc, vật chất là sức mạnh. Trên bình diện quốc gia, đồng tiền có thể mua chuộc được quyền lực về chính trị vì nó có thể chinh phục được những nước nhược tiểu. Họ nghèo, họ cần tiền, cho nên phải nghe theo cho dù họ căm ghét!
Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta dứt khoát nói “không” với bất cứ thế lực nào, sức mạnh nào của vật chất; bởi vì lòng chúng ta không xu hướng về vật chất, cho nên không đặt sự trông cậy vào con người. Chúng ta xu hướng về Chúa để tìm kiếm sự yên nghỉ và trông đợi nơi Ngài.
” Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành
” Khá ở trong xứ và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài.
” Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va
” Thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước
” Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va.
” Và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy…
” Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài…”
(Thi-Thiên 37: 3-7)
Cầu xin Chúa ban cho mỗi chúng ta học theo gương của Ngài mà sống nhu mì giữa cuộc đời này. Chắc hẳn Ngài sẽ ban phước cho và hưởng được đất. Đất của kẻ sống là cơ nghiệp không phai tàn, chứ không phải đất của người chết mất tâm linh.
2. Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ (C.6)
Đói khát sự công bình tức là khát khao một đời sống công bình chính trực. Công bình không phải là những bài tóan cộng, trừ, nhân, chia đồng đều về quyền lợi cá nhân; nhưng là tìm kiếm sự yêu thương, nhân từ, tha thứ từ Đức Chúa Trời. Những kẻ đói khát công bình tức là mong chờ những điều đến từ Đức Chúa Trời chứ không phải thế gian này. Những điều đến từ Chúa là tiêu chuẩn của một người sống theo luật của Chúa, chứ không phải luật của thế gian. Sự công bình có thể nhận thấy trong “luật pháp và lời tiên tri” cụ thể như sau:
“Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đóan. Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán; ai mắng anh em mình rằng: Ra ca, thì đáng bị tòa công luận xử đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa điạ ngục hình phạt…Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi… Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, rang đền răng. Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại nếu ai vả má bên hữu ngươi; hãy đưa má bên kia cho họ luôn. Nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để cho họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi hãy cho, ai mượn của ngươi thì đừng trớ…Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.”
(Mathiơ 5: 21- 45)
Cầu xin Chúa cho con dân của Ngài biết thèm khát một đời sống công chính; như Thánh Kinh đã bày tỏ qua lời phán dạy của Chúa Jesus.
Chỉ có những ai nghe theo tiếng Chúa và sống như lời Ngài phán dạy; thì mới có được sự thỏa lòng, bình an, hy vọng. Đó là một đời sống tâm linh sung mãn, tràn trề, no đủ trong ơn thương xót của Ngài.
3. Phước cho kẻ hay thương xót, thì sẽ được thương xót! (C.7)
Câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành được chép trong Lu-ca (10: 29-37), cho thấy hình ảnh một người có lòng thương xót đối với người lân cận: “ Đức Chúa Jê-sus lại cất tiếng phán rằng: Có một người từ thành Jê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào tay kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để cho người đó nửa sống nửa chết. Vả, gặp một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy thì đi qua khỏi.Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi.Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương, rồi rịt lại; đoạn cho cởi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Đến bữa sau lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người này, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả. Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp? Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người. Đức Chúa Jesus phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy.”
Người Sa-ma-ri nhân lành này không phải là thầy dạy luật pháp, cũng chẳng phải là giới quyền quý cao sang, chỉ là người đi qua đường; nhưng khi gặp người hoạn nạn thì động lòng trắc ẩn, quan tâm chăm sóc cho dù phải tốn thì giờ và tiền bạc. Đó là người được phước!
Câu chuyện tiếp theo về đầy tớ không thương xót được chép trong Ma-thi-ơ (18: 24-35): “Có một tên kia mắc nợ vua vạn ta-lâng khi vua tính sổ với các đầy tớ mình. Anh ta chẳng có chi mà trả, thì chủ dạy bán người, vợ con và gia tài người mà trả nợ. Kẻ đầy tớ này bèn sấp mình xuống nơi chân chủ xin tha nợ. Chủ động lòng thương xót, thả người về và tha nợ. Nhưng khi kẻ đầy tớ đó ra về gặp một người trong bạn làm việc, thiếu mình một trăm đơ-ni-ê, thì nắm bóp cổ bạn mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta! Người bạn sấp mình xuống mà nài xin rằng; Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả nợ cho anh.Song người chẳng khứng, cứ việc bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ.Các bạn thấy vậy, buồn lắm, đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra. Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? Chủ nổi giận, phú nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ.Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.”
Đây cũng là quy luật “gieo và gặt.” Cơ đốc nhân mà không biết yêu thương thì không phải là con cái Chúa, “Yêu Chúa và yêu kẻ lân cận như mình” là hai điều căn bản của con dân Ngài. Nếu nói rằng yêu Chúa mà mắt chúng ta không thấy được, trong khi không thể yêu người mà chúng ta đối diện mỗi ngày, đó là những người thân yêu của mình như cha mẹ, anh chị em, thân bằng quyến thuộc, những bạn hữu trong cùng Hội Thánh, thì rõ ràng chúng ta là kẻ nói dối. Cha của sự nói dối là ma quỉ! Thấy anh em mình cùng túng, chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ. Thấy người cơ hàn khốn khó, chúng ta quay lưng trốn tránh sự giúp đỡ. Thấy người đói lạnh, chúng ta hất hủi, đuổi xô; thì tình yêu thương ở đâu trong những con người đó? Làm sao Đức Chúa Trời ban phước cho họ được?
4. Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời! (C.8)
“Đoạn Ngài gọi đoàn dân đông đến mà phán rằng: Hãy nghe và hiểu. Chẳng phải điều chi vào miệng làm dơ dáy người; nhưng điều chi ở miệng ra, ấy mới là điều làm dơ dáy người vậy! Môn đồ bèn lại gần, mà thưa rằng: Thầy có hay rằng người Pha-ri-si nghe lời thầy nói mà phiền giận chăng? Ngài đáp rằng: Cây nào mà Cha ta trên trời không trồng, thì phải nhổ đi. Hãy để vậy: Đó là những kẻ mù làm người dẫn đưa; nếu kẻ mù dẫn đưa kẻ mù, thì cả hai sẽ cùng té xuống hố.”
(Ma-thi-ơ 15:10-14)
Có lẽ ai cũng có thể trả lời được câu hỏi tại sao các người Pha-ri-si phiền giận, khi Chúa phán dạy phải không ạ? Đơn giản là vì lời Chúa chỉ ra họ là những kẻ giả hình:
“Dân này lấy môi miếng mà thờ kính ta;
“Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm.”
(Ma-thi-ơ 15:8)
Đó là lý do tại sao ngày nay khi các tôi tớ Chúa rao giảng lời củaThánh Kinh cách chính trực, mạnh mẽ; thì vẫn có một số người chống đối bằng cách nói ngược lại rằng, “Tôi muốn nghe lời Chúa mà ông ta không giảng lời Chúa!” Khi các tôi tớ Chúa dùng những câu chuyện minh hoạ để giảng giải lời Chúa cho dễ hiểu, đế áp dụng vào cuộc sống thì cũng có người cho rằng, “ông ta nói chuyện đời!” Cho dù bài giảng có trích dẫn đầy ắp những câu Kinh Thánh, họ vẫn bịt tai lại không nghe lời Chúa; mà chỉ chủ tâm là tìm cách phê phán, chỉ trích!
Dường như họ tự cho mình có đời sống thuộc linh thiêng liêng lắm! Thật ra, vì lời Chúa phơi bày những tội lỗi xấu xa của họ; thay vì ăn năn cảm tạ Chúa đã dùng vị mục sư chuyển tải sự dạy dỗ, cảnh tỉnh cho linh hồn mình; thì họ lại có những phản ứng chống đối, căm ghét đầy tớ Chúa!
Trong khi đó, những con dân thuộc về Ngài thì say mê nghe lời giảng; nuốt từng câu, từng chữ để làm linh lương nuôi dưỡng đời sống tâm linh mình; không ngớt lời cảm tạ, ngợi khen Chúa.
Rất có thể một số người đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật, đứng trong ban hát thờ phượng, cũng lăng xăng trong ban tiếp tân trong những kỳ lễ lớn; nhưng kỳ thật họ chưa bao giờ tin Chúa! Làm những hành động có vẻ tôn giáo bề ngoài đó chẳng qua vì áp lực của người phối ngẫu, hoặc vì động cơ không trong sạch nào đó mà thôi! Cũng cò người giữ các chức vụ quan trọng trong các ban ngành, nhưng trong lòng chưa thật sự có Chúa, luôn nghi ngờ Kinh Thánh, và hay nói phạm thượng với Đức Thánh Linh!
Có thể lắm, chúng ta tin Chúa nửa quãng đời; nhưng đôi khi chúng ta vẫn chưa được tái sinh; vì cớ chúng ta quá tự mãn cho rằng mình đã thánh thiện. Vì vậy, không chịu phó dâng trọn đời sống mình trong tay Chúa. Thay vì hạ mình xuống ăn năn, khóc lóc và cầu xin dòng huyết Chúa Jê-sus tẩy sạch những ô dơ; thì bản thân cứ tiếp tục che lấp những xấu xa bằng cái lớp áo tôn giáo bề ngoài! Có người quá kiêu căng cho rằng: “Tôi không cần học, cần nghe lời Chúa nữa vì tôi đã có lời Chúa rồi!” Đó là tiếng nói do ma quỉ sai khiến, chứ không phải tiếng nói của con cái Đức Chúa Trời.
“Ai không ở với ta, thì nghịch cùng ta, ai không thâu hiệp với ta thì tan ra.”
(Ma-thi-ơ 12: 30)
Lại cũng có người mà tấm lòng đã bị ma quỉ chiếm hữu, tâm trí mù lòa, nghe theo tiếng nói của thế giới tối tăm, nên dùng lưỡi của mình để dối gạt người khác bằng cách thề thốt. Chúa Jê-sus phán:
“Các ngươi còn có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ thề dối, nhưng đối với Chúa, phải giữ vẹn lời thề mình. Song ta phán cùng các ngươi rằng đừng thề chi hết: Đừng chỉ trời mà thề, vì là ngôi của Đức Chúa Trời; đừng chỉ đất mà thề, vì là bệ chân của Đức Chúa Trời; đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì là thành của Vua lớn. Lại cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì từ ngươi không thể làm cho một sợi tóc nên trắng hay đen được. Song ngươi phải nói rằng: Phải, phải; không, không. Còn điều người ta nói thêm đó, bởi nơi quỉ dữ mà ra.”
(Ma-thi-ơ 5: 33-37)
Nếu lòng chúng ta không ngay thẳng, cứ miệt mài sống trong dối gian, thì rõ ràng chúng ta đã chối từ nguồn phước hạnh đến từ ân điển của Đức Chúa Trời.
III. Phước cho kẻ làm cho người hòa thuận, chịu bắt bớ (C. 9-10)
1. Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời! (C.9)
Hầu hết những sự bất hòa gìữa con người với nhau thường bắt nguồn từ những câu chuyện kể đi kể lại, từ người này sang người khác; và nội dung sai lệch với người nói ra. Tâm lý, một số người thích thổi phồng, thêm mắm thêm muối vào câu chuyện, khiến cho người được nghe thuật lại nổi giân đùng đùng. Và hai bên trở thành kẻ đối thủ của nhau.
Mục sư tác giả của sách Phúc Âm Ma-thi-ơ trong loạt bài giảng của ông diễn tả ý nghĩa này rất ư thực tế:
“Hai ông A và B sau khi nghe tôi xong thì một người mắc phải chứng bệnh lên máu, còn người kia thì bị giựt kinh phong, nghiến răng, trợn mắt, bốc khói, tai lùng bùng, bốc khói ra lỗ mũi. Một ngày tối trời nào đó nếu hai ông gặp nhau thì chắc cả thế giới đều hay tin này vì một bên là mặt trời, còn bên kia là quả đất đang chấn động. Tại vì người thày lay, đôi mách, thèo lẽo chuyện người khác thích châm thêm dầu vô lửa làm cho hai bên đối phương căm tức nhau. Chính vì vậy, tạo nên những cuộc tranh chiến mà khó ai có thể lường được những gì sẽ xảy ra!”
Xem tin tức hằng ngày, chúng ta cũng thường thấy những nước chiến tranh với nhau hay đưa những tin tức giật gân và bịa đặt; làm tổn hại cho đối phương vì những câu chuyện dối trá. Trong con dân Chúa, những trường hợp này không phải là ngoại lệ. Sách Châm ngôn (6:16-18) dạy rằng:
“Có sáu điều Đức Giê-hô-va ghét
“Và bảy điều Ngài lấy làm gớm ghiếc:
“Con mắt kiêu ngạo, lưỡi dối trá, tay làm đổ huyết vô tội;
“Lòng toan những điều ác,
“Chân vội vàng chạy đến sự dữ
“Kẻ làm chứng gian và nói điều dối
“Cùng kẻ gieo sự tranh cạnh trong vòng anh em
Là con cái Chúa, chúng ta không nên phân rẽ anh em bởi những mưu ác trong lòng mình. Chúng ta là chi thể trong Đấng Christ. Nhiệm vụ của chúng ta là giải hòa với nhau vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.
“Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ.
(Ma-thi-ơ 18: 19)
2. Phước cho những kẻ chịu bắt bớ, vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!
Đọc lịch sử từ buổi đầu của Hội Thánh đến nay hơn hai nghìn năm qua, chúng ta thấy trước hết là các sứ đồ của Ngài đều bị bắt bớ,bị đánh đập, nói vu, tra tấn, giam cầm. Kết thúc của cuộc đời trên đất là những cái chết kinh hoàng như bị chặt đầu, đóng đinh ngược, v.v… Tiếp đến là các con dân Chúa tử đạo vì những cuộc thanh trừng, kỳ thị tôn giáo đến từ các đời Hoàng đế chống đạo Tin lành, các nước độc tài đảng trị, và gần đây nhất là ISIS. Trong bao nhiêu thế kỷ qua, những tôi tớ Chúa từ các nước văn mình đã từ bỏ hạnh phúc của riêng mình đến với các nước nghèo nàn, kém văn minh; thậm chí các bộ lạc sống ở chốn thâm sơn cùng cốc. Những người mang Phúc Âm đến cho mọi dân tộc này, đã và đang đương đầu với bao khó khăn của thiếu thốn, bệnh tật, bắt bớ, tù đày.
Đọc hồi ký “Bốn Mươi Sáu Năm Chức Vụ” của Mục sư Lê Văn Thái, cố Hội Trưởng Tin Lành Việt Nam, hay “Bốn Mươi Mốt Năm Hầu Việc Chúa Với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam của Giáo sĩ I. R Stebbins, và cuốn tự truyện của Mục sư Đoàn Văn Miêng; chúng ta sẽ cảm nhận được tất cả những nỗi nhọc nhằn, gian truân với trăm nghìn thách thức; mà nếu bởi sức người không ai có thể vượt qua được!
Tuy nhiên một điều an ủi lớn lao cho những tôi tớ Chúa và con dân của Ngài đó là lời hứa của Chúa Jesus:
“Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ tợn nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy
(Ma-thi-ơ 5: 11, 12) .
Kết luận:
Tôi xin kết thúc bài chia sẻ hôm nay, với những câu Kinh Thánh sau đây:
“Phước cho những người trọn vẹn trong đường lối mình
“Đi theo luật pháp của Đức Giê-hô-va
“Phước cho những người gìn giữ chứng cớ Ngài
“Và hết lòng tìm cầu Ngài
(Thi Thiên 119: 1 -2)
Cầu xin Ba Ngôi Đức Chúa Trời gìn giữ quý ông bà anh chị em, tìm kiếm và nhận được những phước hạnh ở trong Ngài. Amen!
Mục sư Lê Văn Thể