VECC – Dưới đây là 4 ví dụ tuyệt vời về sự vâng phục trong Kinh Thánh.
Tấm gương Chúa Giê-xu
Chúa Giê-xu luôn làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha, thậm chí ngay cả khi đau đớn, giống như khi Ngài cầu nguyện ở vườn Giết-sê-ma-nê với mong muốn có thể “xin cất chén nầy khỏi con”, nhưng Chúa Giê-xu đã nói: “Dù vậy, xin ý Cha được nên, chứ không theo ý Con!” (Lu-ca 22:42). Chúa Giê-xu biết rằng: “Đấng đã sai Ta vẫn ở với Ta, không để Ta một mình, vì Ta luôn làm những điều đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29). Trên thực tế, Chúa Giê-xu đã nói: “Lương thực của Ta là làm theo ý muốn của Đấng đã sai Ta, và hoàn tất công việc của Ngài” (Giăng 4:34) và “Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45). Sứ đồ Phao-lô đã viết cho Hội Thánh Phi-líp: “Hãy có đồng một tâm trí như Đấng Christ Giê-xu đã có, Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời, nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời Là điều nên nắm giữ; Ngài đã từ bỏ chính mình, Mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:5-7), và Chúa Giê-xu đã “Tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:8). Ai có thể khiêm nhường hơn Chúa Giê-xu, Đấng đã rửa chân cho các môn đồ của mình, bao gồm cả kẻ phản bội Ngài, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt?
Sự kêu gọi của Áp-ra-ham
Khi Đức Chúa Trời gọi Áp-ra-ham trong Sáng Thế Ký 12, chúng ta thấy hoàn toàn không có chút do dự nào trong sự vâng phục của ông đối với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh viết: “Đức Giê-hô-va phán với Áp-ram: “Hãy ra khỏi quê hương, bà con thân tộc và nhà cha của con để đi đến vùng đất Ta sẽ chỉ cho con. Ta sẽ làm cho con thành một dân lớn, Ta sẽ ban phước cho con, làm rạng rỡ danh con, và con sẽ thành một nguồn phước” (Sáng Thế Ký 12:1-2). Hãy tưởng tượng điều này, Áp-ram (sau này được gọi là Áp-ra-ham) đã bỏ lại gia đình, bạn bè, công việc và sự thờ lạy các thần giả để đến một vùng đất mà trước đây ông chưa hề thấy và được kêu gọi bởi một Đấng mà ông chưa hề biết, nhưng chúng ta không hề thấy sự do dự nào của Áp-ra-ham cả. Ông không dừng lại để suy nghĩ về điều đó, tính toán chi phí đi lại hoặc để hỏi Chúa “Tại sao”. Kinh Thánh đơn giản viết: “Áp-ram ra đi theo lời Đức Giê-hô-va phán bảo” (Sáng Thế Ký 12:4). Có bao nhiêu người trong chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi thứ mình có, bỏ lại tất cả để đến một vùng đất xa lạ và được kêu gọi bởi một Đấng chúng ta không hề biết? Áp-ra-ham cũng phải đi đến quyết định vô cùng khó khăn để chứng minh rằng ông sẽ vâng lời khi Đức Chúa Trời muốn ông hy sinh đứa con trai duy nhất của mình, Y-sác. Đó là minh chứng tốt nhất của sự vâng phục được ghi lại trong Kinh Thánh, cùng với minh chứng về Đấng Christ.
Từ Sau-lơ trở thành Phao-lô
Sau-lơ, trước khi được đổi tên thành sứ đồ Phao-lô, là người đã tàn phá Hội Thánh, tán thành việc giết hại nhiều tín hữu trong Hội Thánh, nhưng Sau-lơ đã chuẩn bị gặp nhiều hơn sự đối đầu này trong Đấng Christ, và bởi vì sự suốt sắng của Phao-lô: “Trong ngày ấy, Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem gặp cơn bắt bớ dữ dội; ngoại trừ các sứ đồ, tất cả tín hữu đều bị tan lạc trong các miền Giu-đê và Sa-ma-ri” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:1) và rồi “Sau-lơ tàn hại Hội Thánh, xông vào từng nhà bắt cả đàn ông lẫn đàn bà bỏ tù” (Công Vụ 8:3). Bạn có thắc mắc giống tôi không, rằng tại sao Sau-lơ bức hại hội thánh nhưng “ngoại trừ các sứ đồ”? Có lẽ ông đã có chút sợ hãi về sự liên kết của họ với Đức Chúa Trời và cũng vì ông đã nghe được nhiều phép lạ được làm trong Danh Ngài. Dù sao đi nữa, trong khi “Bấy giờ, Sau-lơ cứ hăm dọa và sát hại các môn đồ của Chúa. Ông đến với thầy tế lễ thượng phẩm, xin thư giới thiệu đến các nhà hội ở Đa-mách để nếu gặp người nào thuộc về Đạo, bất kể nam nữ, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem” (Công Vụ 9:1-2), nhưng “thình lình có ánh sáng từ trời chiếu lòa chung quanh ông. Ông té xuống đất và nghe có tiếng phán với mình: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ Ta?” Ông thưa: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” Chúa phán: “Ta chính là Giê-xu mà ngươi đang bắt bớ” (Công Vụ 9:3-5). Sau ba ngày, “Lập tức ông công bố trong các nhà hội rằng Đức Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời. Ai nghe vậy cũng đều kinh ngạc, nói rằng: “Đây chẳng phải là kẻ đã từng giết hại những người cầu khẩn danh ấy tại Giê-ru-sa-lem, và cũng đến đây để trói họ giải về cho các thầy tế lễ cả sao?” Nhưng Sau-lơ càng thêm mạnh mẽ, biện bác với những người Do Thái sống ở Đa-mách, và minh chứng rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ” (Công Vụ 9:20-22). Sau-lơ biết rằng mình phải chịu khổ rất nhiều vì Đấng Christ, nhưng ông vui nhận sứ mệnh của mình đối với dân ngoại.
Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-xu
Tôi nghĩ bạn sẽ khó tìm được ví dụ nào tuyệt vời hơn về sự vâng lời như ở Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-xu. Khi bà phát hiện ra rằng mình sẽ mang thai Con của Đức Chúa Trời, trong khi bản thân còn là một trinh nữ, bà đã thấy rất khó tin. Chuyện bắt đầu “Vào tháng thứ sáu, Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thành Na-xa-rét, thuộc miền Ga-li-lê, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người nam tên là Giô-sép, thuộc dòng vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri.” (Lu-ca 1:26-27), nhưng “Ma-ri rất bối rối về những lời nầy và tự hỏi lời chào ấy có nghĩa gì. Thiên sứ tiếp: “Hỡi Ma-ri, đừng sợ vì cô đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:29-30). Thiên sứ Gáp-ri-ên đã nói với Ma-ri, “Nầy, cô sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là GIÊ-XU. Con trai ấy sẽ được tôn trọng, được gọi là Con của Đấng Chí Cao. Chúa là Đức Chúa Trời sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít, tổ phụ Ngài.” (Lu-ca 1:31-32). Phản ứng của Ma-ri là gì? Có phải bà đã e ngại khi tin điều này? Có phải bà bối rối vì mình còn là một trinh nữ không? Tất cả những gì Ma-ri đã nói là “Tôi đây là tớ gái của Chúa. Xin điều ấy xảy đến cho tôi như lời ngài truyền!” Rồi thiên sứ rời khỏi Ma-ri.” (Lu-ca 1:38). Ma-ri không hề lưỡng lự không tin, nhưng chỉ đơn giản nói với thiên sứ Gáp-ri-ên, “điều ấy xảy đến cho tôi như lời ngài truyền!” Bà đã hiểu rằng mình là một “tớ gái của Chúa” và điều này tạo nên sự vui thỏa trong bà, đủ để giúp bà trở thành “Mẹ đồng trinh” trong Lu-ca 1:46-55
Lời kết
Bạn có thể nhớ được những tấm gương về sự vâng phục nào trong Kinh Thánh? Tôi có thể đưa ra ví dụ về Môi-se đã trở lại xứ Ai-cập để mang dân sự Chúa ra khỏi đó, hay ví dụ về Ghi-đê-ôn đã đánh bại dân Ma-đi-an, mặc dù có sự chênh lệch rất lớn về lực lượng, nhưng thực sự thì Chúa Giê-xu là ví dụ tuyệt vời nhất về sự vâng phục Đức Chúa Trời và là gương mẫu để chúng ta biết làm thế nào để đầu phục Lời Chúa, có nghĩa là đầu phục ý muốn Chúa, bởi vì ý muốn Chúa được tìm thấy trong Lời của Đức Chúa Trời.
Tin bài: Thoa Trần
Lược dịch từ: WhatChristiansWantToKnow.com