Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Là Cơ đốc nhân, chúng ta đều muốn gia đình mình tin và theo Chúa. Vì thế, quan trọng nhất luôn nhớ cầu nguyện rằng Chúa là chủ tể và chính Ngài sẽ thay đổi trái tim gia đình bạn.
Cầu nguyện như vậy cũng là hành động biểu hiện phụ thuộc vào Chúa, thể hiện tình yêu của bạn dành cho gia đình và là cách bạn hướng tâm mong chờ Ngài cứu chuộc họ. Chúa có thể sẽ làm thành điều đó nếu Ngài muốn.
Tuy nhiên, về phần mình, bạn cần phải kiên nhẫn. Chúa nắm quyền chủ tể – Ngài sẽ chọn ai, theo cách nào và thời điểm người đó đến với Ngài. Chúng ta muốn gia đình mình tin Chúa ngay ngày mai, nhưng Chúa lại có kế hoạch khác một chút. Chúng ta chỉ có thể chờ đợi và cầu nguyện. Hãy luôn tâm niệm Chúa yêu thương gia đình bạn cũng giống như Ngài yêu bạn vậy và Ngài đang hành động theo bối cảnh cuộc đời người thân bạn.
Đời sống tin kính
Nếu bạn đã cầu nguyện, thì hãy cho người thân nhìn thấy những thay đổi tích cực trong nếp sống của bạn. Đây là cách hiệu quả nhất vì hàng ngày chúng ta được biến đổi ngày càng trở nên giống Chúa Jesus hơn thì họ sẽ nhìn thấy điều đó từ bạn. Trong Cô-lô-se 3, Phao-lô nói về việc trút bỏ con người tội lỗi cũ và thay vào con người tin kính mới. Con người tin kính mới này có tâm tính kiên nhẫn, yêu thương, tốt lành… Trong đời sống, nếu bạn thật sự đã biến đổi được như thế với những biểu hiện rõ ràng làm bằng chứng cho người thân và bạn bè mình, thì tự nhiên họ sẽ thắc mắc nhiều hơn về đức tin của bạn.
Có nhiều cách để bạn thể hiển mình đang sống tin kính: bạn giúp gia đình làm việc nhà, đối xử với những người khác tốt hơn, cải thiện thái độ làm việc và vui chơi. Tuy vậy, tôi nghĩ lối sống tin kính sẽ được biểu lộ rõ nhất thông qua cách bạn xử lý xung đột trong gia đình. Là con dân Chúa, chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời là Thần công bằng và lẽ thật, cũng là Thần có lòng thương xót và nhân từ. Bởi vậy, khi xử lý xung đột, chúng ta phải chắc chắn mình cũng công bằng và nhân từ. Cặn kẽ hơn nghĩa là lắng nghe, thảo luận về những điều hợp lý, thể hiện một tấm lòng độ lượng, yêu thương khi người khác làm điều sai với bạn và xin họ tha thứ khi bạn làm điều tương tự với họ.
Lựa chọn thời điểm để lên tiếng
Khi có cơ hội để chia sẻ về Chúa cho người thân, hãy thật nhẹ nhàng và khéo léo. Cầu nguyện để Chúa giúp bạn có những lời nói khôn ngoan. Chia sẻ những kinh nghiệm và sự hiểu biết của riêng bạn cho gia đình về Thiên Chúa luôn luôn dễ dàng và giúp họ bớt khó khăn hơn nhiều việc bạn thách đố họ trực tiếp tìm hiểu về Ngài. Hãy ghi nhớ bạn không phải chịu trách nhiệm thuyết phục họ tin Chúa – sứ mệnh đó là của Đức Chúa Trời. Bạn có nhiệm vụ trình bày về Tin Lành sao cho rõ ràng và hiệu quả nhất thôi.
Trong trường hợp cần phải đối diện với người thân, hãy biện luận cẩn trọng. Cha, mẹ và anh chị em của tôi quá thù địch với đạo Cơ Đốc giáo. Họ họp mặt để tìm cách chọc giận tôi và nói về một chuyện mà tôi không đồng tình. Tôi học được rằng nếu họ cố tình đối đầu có chủ ý thì tôi sẽ không bao giờ có thể trò chuyện chân thành với họ. Nhưng khi đang nói chuyện bình thường thì tôi có thể cởi mở chia sẻ về Phúc âm cho họ. Để tạo ra bước ngoặt khiến gia đình bạn thay đổi thái độ khi lắng nghe về phúc âm thì phải lựa chọn những thời điểm đúng và luôn kiểm soát tốt phản ứng trong những lúc đối đầu với họ.
Cuối cùng, ghi nhớ bản thân bạn là một Cơ đốc nhân không hoàn hảo. Cho dù không thể yêu thương và cam kết với gia đình, nhưng Chúa thì không bao giờ như thế. Vì thế cho dù bạn có thể truyền bá phúc âm cho người thân tệ hại đến đâu, thì Chúa vẫn ở đó – Ngài đủ quyền năng và sức mạnh để khiến những nỗ lực từ bạn thay đổi tấm lòng họ. Đừng bỏ cuộc cho dù điều gì xảy ra chăng nữa!
Tin bài: Thùy Trang
Lược dịch từ: Fervr.net