Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Ngày nay có vô vàn những tin tức về chính trị, quân sự, lãnh thổ và bệnh tật….khiến chúng ta không thể không lo lắng. Nhiều người lo lắng quá đến mức không ăn không ngủ. Là Cơ đốc nhân, chúng ta tin chắc vào lời hứa của Đức Chúa Trời và sự bảo đảm của Ngài bởi duy Ngài cho chúng ta sự bình an thật.
1/ Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus. (Phi-líp 4: 6-7)
Lo lắng là một cảm giác tự nhiên của con người. Chúng ta là những tạo vật có giới hạn, luôn nhìn vào những hạn chế của bản thân và lo lắng về những điều chúng ta không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, Sứ đồ Phao-lô khuyên đừng lo lắng gì cả, mặc dù xu hướng chung là thường lo về nhiều thứ. Đây là lý do vì sao chúng ta không thể kiểm soát toàn bộ những điều xảy đến trong cuộc đời mình. Chỉ có Đức Chúa Trời tể trị trên vạn vật. Ngài chưa bao giờ, và không bao giờ lo lắng về điều gì. Bởi Ngài làm điều Ngài muốn và đó là điều tốt lành cho chúng ta. Và khi có Chúa, chúng ta cần trông cậy vào sự ban cho rời rộng của Ngài. Sự bình an của Đức Chúa Trời có thể bảo vệ tấm lòng của chúng ta trước những cám dỗ đầy “hấp dẫn”.
2/ Vậy, khi đã được xưng công chính bởi đức tin, chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nhờ Ngài, chúng ta bởi đức tin được bước vào trong ân điển nầy, là ân điển mà nhờ đó chúng ta đang đứng vững và vui mừng với hi vọng được hưởng vinh quang của Đức Chúa Trời. (Rô-ma 5: 1-2)
Không ai nhận được sự bình an của Đức Chúa Trời cho tới khi họ làm hòa với Ngài, tuy nhiên tội lỗi của chúng ta đã xây dựng một bức tường giữa chúng ta và Đức Chúa Trời nên chúng ta không thể tự hòa giải được (Ê-sai 59: 2; Ro-ma 3: 23). Chúng ta cần sự giúp đỡ để tái kết nối với Cha Thiên Thượng. Cảm tạ Chúa, hy vọng của chúng ta được tìm thấy trong Đức Chúa Giê-xu (Công vụ các sứ đồ 4: 12). Nếu chúng ta được xưng công chính bởi đức tin, thì giờ đây chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời và chúng ta có thể nhận được sự bình an của Ngài (Giăng 14: 27). Ngoài Chúa Giê-xu thì chúng ta không còn con đường nào khác để có thể đứng vững trước Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao Phao-lô đã viết “vui mừng với hy vọng” vì giờ đây chúng ta có thể đứng trước Chúa. Điều này chỉ có thể khi Đức Chúa Trời không còn nhìn thấy bất kỳ tội lỗi nào trong chúng ta nữa mà thấy sự công bình của Đức Chúa Giê-xu (II Cô-rinh-tô 5: 21). Đó là điều cốt yếu bởi trong chúng ta, không một ai là công chính cả (Rô-ma 3 10-12;23)
3/ Không hề có sự sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng tình yêu thương trọn vẹn thì loại bỏ sự sợ hãi. Vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt, và ai sợ hãi thì không được trọn vẹn trong tình yêu thương. (I Giăng 4: 18)
Tiếng Hy-lạp sử dụng từ “loại bỏ” không chỉ mang nghĩa đơn giản là “ném nó sang một bên”. Từ này yêu cầu chúng ta bỏ đi nỗi sợ hãi của mình và “quăng nó ra xa” hoặc “tránh xa nó” vì đây là điều chúng ta cần thực hiện. Cũng như việc chúng ta lựa chọn ca ngợi Chúa trong bão tố và lựa chọn vui thỏa trong khó khăn, chúng ta phải tránh xa nỗi sợ hãi của mình và để Chúa lo điều đó. Khi bạn nhận ra rằng bản thân mình thực sự có thể ném những nỗi lo đi xa thì sẽ không có sự sợ hãi nào có thể đe dọa bạn nữa. Tình yêu hoàn hảo của Đức Chúa Trời được bày tỏ trọn vẹn thông qua thập tự giá. Hình phạt của chúng ta trong ngày phán xét được đặt để trong tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Nhờ Chúa Giê-xu mà chúng ta không còn bất kỳ tội lỗi nào nữa. Chúng ta nhận được món quà miễn phí, đó chính là sự sống đời đời (Ê-phê-sô 2: 8-9). Tình yêu đó cho chúng ta biết rằng chúng ta nên đuổi nỗi sợ hãi đi xa hoàn toàn… và mãi mãi.
4/ Vì vậy, Ta phán với các con: Đừng vì mạng sống mà lo phải ăn gì, uống gì; đừng vì thân thể mà lo phải mặc gì. Mạng sống không quý trọng hơn thức ăn sao, thân thể không quý trọng hơn quần áo sao? (Ma-thi-ơ 6: 25)
Những câu nói xuất phát từ Chúa Giê-xu không phải là những lời đề nghị nhưng nó là mệnh lệnh, giống như Đại mạng lệnh trong Ma-thi-ơ 28: 19-20. Chúa Giê-xu nói cụ thể rằng “Ta phán với các con” (trong đó chắc chắn có chúng ta), “đừng lo về mạng sống mình”. Cấu trúc của câu này rất giống với 10 điều răn. Vì Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời và Ngài luôn làm những điều tốt lành. Ngài muốn kết nối trực tiếp với chúng ta và chúng ta sẽ chỉ làm được khi không nhìn vào nhu cầu của đời sống (ăn, mặc, uống). Bên cạnh đó, Chúa Giê-xu đã hứa với những người tìm kiếm Vương quốc Đức Chúa Trời trước hết thì sẽ được ban thêm nhiều điều hơn thế nữa (Ma-thi-ơ 6: 33).
5/ Những thử thách đến với anh em, chẳng có điều nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài không để anh em bị thử thách quá sức mình đâu! Nhưng trong thử thách, Ngài sẽ mở đường cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được. (I Cô-rinh-tô 10:13)
Tiếng Hy-lạp từ “thử thách” là “peirasmos” nghĩa là “một sự thử nghiệm, khảo nghiệm” hay “một sự quan sát”, vì vậy Phao-lô không chỉ nói đến “thử thách” mà còn là những thử nghiệm, kiểm tra haycám dỗ nhưng sẽ không “vượt quá sức chịu đựng” của con người (trong đó có chúng ta). Sứ đồ Phao-lô muốn an ủi những người trong hội thánh Cô-rinh-tô (và chúng ta) khi ông nói với họ rằng họ không một mình. Tất cả chúng ta đều phải trải qua những thử thách và cám dỗ. Giống như Gióp! Đức Chúa Trời luôn luôn thành tín với Lời của Ngài và Ngài không để bạn hay tôi bị thử thách quá sức mình, mà mở cho chúng ta lối thoát, tuy nhiên “sự thoát khỏi” này không đến từ chúng ta. Câu Kinh Thánh này nói “Ngài sẽ mở đường cho ra khỏi”. Chúng ta vẫn phải tìm kiếm lối thoát, và lối thoát đó là Chúa – Đấng bày tỏ cho chúng ta con đường đó, tuy nhiên, quyết định vẫn thuộc về chúng ta.
6/ Vậy bây giờ, những ai ở trong Đấng Christ Jêsus sẽ không bị kết tội nữa; vì luật của Thánh Linh sự sống trong Đấng Christ Jêsus đã giải phóng tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết. (Rô-ma 8: 1-2)
Chúa biết tất cả chúng ta đều là người có tội (Rô-ma 7:7), và không một ai xứng đáng nhận được sự tha thứ, nhưng Ngài lại biện hộ thay cho chúng ta. Đây không phải là thời điểm để thể hiện bản thân trước Chúa bởi vì Đức Chúa Trời yêu cầu sự hoàn hảo. Cám ơn Chúa vì ngày nay sự kết tội của bạn đã bị dỡ bỏ thông qua dòng huyết Chúa Giê-xu. Dâng lời tạ ơn Chúa vì điều này và cũng cần nhớ đến những người chưa biết đến sự cứu rỗi nơi Đấng Christ nữa.
7/ Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi. (Giăng 14: 27)
Có 2 loại bình an. Một là bình an trong thế gian. Hai là bình an trong Chúa. Sự bình an trong thế gian là sự an ninh trong quốc gia, mối quan hệ làng xóm láng giềng, gia đình và bạn bè. Khi bạn có mối quan hệ tốt với họ, bạn có sự bình an. Nhưng khi xung đột xảy ra, mối quan hệ sẽ đổ vỡ nếu không được giải quyết đúng đắn, và khi đó bạn có thể mất đi sự bình an với những người xung quanh. Nếu sự bình an của bạn phụ thuộc vào hoàn cảnh, thì sự bình an đó không bền vững. Nó có thể đến rồi đi. Tuy nhiên, sự bình an từ Chúa Giê-xu là duy nhất và vững chắc – sự bình an mà không một ai có thể đem đến cho bạn. Con người hay ma quỷ đều không thể đem sự bình an của Chúa Giê-xu rời xa chúng ta, “Vậy, khi đã được xưng công chính bởi đức tin, chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời qua Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ.” (Rô-ma 5: 1)
Kết luận
Tại sao bạn lại không thay thế sự bất an bằng sự an ninh tìm được trong Lời của Đức Chúa Trời – Kinh Thánh. Chắc chắn bạn sẽ nhận lãnh được sự bao phủ từ Ngài khi đọc và suy ngẫm Kinh Thánh mỗi ngày bởi vì đó là lời hứa Ngài phán với chúng ta. Lời của Ngài có quyền năng thay đổi chúng ta và điều đó đến trong Thánh Linh của Chúa, có thể tạo cảm giác bình an và tĩnh lặng không giống như bất kỳ sự bình an nào của thế gian. Sứ đồ Phao-lô đã viết, “Ai sẽ kiện những người được Đức Chúa Trời tuyển chọn khi mà Đức Chúa Trời là Đấng xưng công chính những người ấy?” (Rô-ma 8: 33).
Tin bài: Thoa Trần
Lược dịch từ: WhatChristiansWantToKnow.com