Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (2 Ti-mô-thê 3:16-17)
Lời Chúa là hoàn toàn cần thiết. Tất cả 66 sách đều được cảm thúc và soi dẫn bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời, sử dụng 40 trước giả để viết ra. Chính thống giáo Đông phương tin rằng Kinh Thánh bản gốc của họ không có bất cứ sai lầm hoặc lỗi nào. Kinh Thánh không chỉ đơn thuần là một bộ sưu tập các trích dẫn hay những câu chuyện đùa mà là Lời của Đức Chúa Trời. Khi Kinh Thánh nói, là lúc Đức Chúa Trời đang phán. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tiếp cận Kinh Thánh một cách có chủ đích với sự cẩn trọng.
Tuy nhiên, Cơ Đốc nhân thường hiểu lầm, trích dẫn sai hoặc lạm dụng các câu Kinh Thánh. Ví dụ như, chúng ta có thể chuyển sang tìm kiếm trong phụ lục câu Kinh Thánh về một chủ đề cụ thể, đọc những câu được gợi ý, tìm câu yêu thích, và sau đó bắt đầu trích dẫn! Hoặc, có thể chúng ta nghe những người khác trích dẫn sai, nó nghe có vẻ đúng ngay lúc đó, nên chúng ta cũng bắt đầu lan truyền sự lạm dụng này mà không dành thời gian để học câu đó trong bối cảnh dự định của trước giả.
Dưới đây là danh sách 5 câu Kinh Thánh bị lạm dụng và dùng sai mục đích nhiều nhất:
1/ “Tôi làm được mọi sự nhờ Ðấng ban năng lực cho tôi.” (Phi-líp 4:13)
Ngoài bối cảnh: Câu này không liên quan gì đến cú úp trong bóng rổ, việc giành chiến thắng bằng những cú home-run (cú đánh xa trong bóng chày), bài tập đẩy ngực với chiếc xe buýt, trúng xổ số hay chốt một thỏa thuận kinh doanh.
Trong bối cảnh: Sứ đồ Phao-lô bị quản thúc tại nhà chờ xét xử, nơi ông có thể bị xử tội chết vì rao giảng sự sống lại của Chúa Giê-xu. Tuy nhiên, thay vì bị đánh bại bởi hoàn cảnh bất hạnh, Phao-lô đang sử dụng cơ hội này để dạy dỗ Hội Thánh trẻ ở Phi-líp rằng ông có thể chịu đựng mọi hoàn cảnh thăng trầm – bởi ông có một sức mạnh duy chỉ đến từ nơi Đấng Christ. Sức mạnh siêu nhiên để chịu đựng mọi nghịch cảnh như thế luôn ở cùng Phao-lô vì Thánh Linh của Đấng Christ luôn ở với ông dù trong lao tù.
2/ “Vì nơi nào có hai, ba người nhân danh ta họp nhau lại thì Ta sẽ ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:20)
Ngoài bối cảnh: Câu này thường được trích dẫn như một lời khích lệ lẫn nhau khi có ít người tham dự buổi nhóm thờ phượng, hay được nói ra như một lời cầu an trong buổi cầu nguyện. Trên thực tế, nếu có ai thực sự muốn kéo dãn câu Kinh Thánh này, họ có thể dùng nó như lời bào chữa cho việc bỏ qua sự nhóm lại tại Hội Thánh để thờ phượng với gia đình tại nhà, trong khi chương trình bóng đá đang được mở.
Đúng bối cảnh: Câu này đặt biệt trong bối cảnh kỷ luật của Hội Thánh và việc đối mặt với những tín đồ ngang bướng. Đây chính là lời khích lệ cho những người lãnh đạo Hội Thánh trong khoảng thời gian khó khăn khi phải đối diện trong tình yêu thương để nói rằng Chúa vẫn hiện diện với hai hay ba nhân chứng khi họ có chủ đích trong việc sửa sai và phục hồi người anh chị em bị vấp ngã.
3/ “Vì Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hy vọng” (Giê-rê-mi 29:11)
Ngoài bối cảnh: Câu này dành cho ai đó như một suy nghĩ trong thời kỳ khó khăn, hay trên tấm thiệp mừng tốt nghiệp sau khi họ được nhận bằng cấp hoặc chứng chỉ. Nếu là một lời hứa đứng riêng lẻ, nó xuất hiện như thể Chúa hiện hữu để làm chúng ta trở nên nổi tiếng, giàu có, khỏe mạnh và quyền thế được nhiều người biết đến! Chúa công bố Giấc Mơ Mỹ trên cuộc đời tôi!
Đúng bối cảnh: Lời hứa tuyệt vời này không được ban cho một người riêng lẻ, mà là cho một nhóm người – những người Hê-bơ-rơ bị lưu đày ở Ba-by-lôn. Chúa hứa Chúa sẽ không từ bỏ dân Ngài, dù cho mọi thứ trông thật khủng khiếp, họ vẫn có một tương lai và một hy vọng! Chính vì thế, từ “thịnh vượng” không phải nói đến tiền bạc hoặc phước hạnh vật chất ở đây; nó nói đến sự cứu rỗi về thể xác và tâm linh. Đây là lời hứa tuyệt diệu rằng Chúa chưa hoàn tất công việc trên dân Ngài, và rằng tương lai và hy vọng của họ chỉ có thể được tìm thấy trong Ngài.
Lời hứa này có nghĩa là Chúa sẽ tiếp tục với kế hoạch của Ngài, và dân Ngài được là một phần trong đó.
4/ “Đừng xét đoán ai để các con khỏi bị xét đoán” (Ma-thi-ơ 7:1)
Ngoài bối cảnh: Chúng ta đang sống trong thời buổi mà giá trị chịu đựng trên tất cả, trừ khi, tất nhiên, khi ai đó bất đồng với niềm tin, lối sống hay ý kiến của chúng ta; rồi sau đó, chúng ta đặc biệt không thể chịu đựng, khoan dung. Chúng ta thậm chí có thể nói lớn cách dạn dĩ rằng: “Chỉ có Chúa mới có thể phán xét tôi”. Tuy nhiên, đây là thần học theo Tupac chứ không phải thần học theo Kinh Thánh.
Đúng bối cảnh: Câu Kinh Thánh này không phải là lời cảnh báo chống lại việc nói ra những hành động hoặc hành vi nhất định. Trên thực tế, ở những nơi khác trong Kinh Thánh, chúng ta biết rằng “nhìn trái biết cây.” Chúng ta được ban cho Đại Mạng Lệnh để “môn đệ hóa muôn dân”, điều này bao gồm việc giúp đỡ người khác chống lại tội lỗi. Tuy nhiên, Ma-thi-ơ 7 là lời cảnh báo chống lại sự giả hình và công chính tự phong.
Nếu chúng ta cần sửa trị ai đó, thì chúng ta cần mong đợi được giữ với cùng một tiêu chuẩn như vậy. Nếu chúng ta phán xét ai cách gay gắt, thì chúng ta có thể mong đợi được phán xét cách tương tự. Mặc dù chúng ta đã loại bỏ cây đà trong mắt mình, nhưng Chúa Giê-xu vẫn nói chúng ta phải loại bỏ cái dằm trong mắt anh em mình.
5/ “Khá im lặng và biết rằng Ta là Ðức Chúa Trời! Ta sẽ được tôn cao giữa các dân. Ta sẽ được tôn cao trên khắp đất.” (Thi thiên 46:10)
Ngoài bối cảnh: Thành thật mà nói, sự lạm dụng phổ biến nhất với câu Kinh Thánh này là chỉ trích dẫn một phần trong đó. Trên cốc cà phê, màn hình chờ máy tính với nền hoa hồng hay bức tranh vẽ núi, bạn sẽ thấy một phần của câu này được trích ra khỏi đoạn: “Khá im lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời.”
Đúng bối cảnh: Điều công bằng lớn nhất chúng ta có thể làm với câu Kinh Thánh này là trích dẫn nó cách toàn vẹn. Thật là một sự an ủi và lời nhắc nhở đáng kinh ngạc khi biết rằng chúng ta có thể yên lặng và biết rằng Chúa đang tể trị mọi sự. Là dân sự Ngài, chúng ta có thể yên nghỉ trong lẽ thật rằng Ngài sẽ được tôn cao trên cả trái đất, và không điều gì có thể cản trở Chúa hoàn thành ý định của Ngài. Mọi điều Chúa phán và làm đều có chủ đích. Mọi từ trong Kinh Thánh đều có mục đích và được đặt trong bối cảnh cụ thể mà Ngài mong muốn. Do đó, chúng ta phải cẩn trọng với Lời Chúa và cân nhắc kỹ khi nói ra!
Tin bài: Nhật Tân
Lược dịch từ: RelevantMagazine.com