Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Hãy giải thích câu kinh thánh sau đây theo cách hiểu của bạn: “Vậy, anh em hoặc ăn hoặc uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh quang của Đức Chúa Trời”. Nếu một người ngay lúc này chạy đến và hỏi bạn rằng phải thực hành 1 Cô-rinh-tô 10:31 như thế nào, trong việc ăn, việc uống, hay trong mọi việc – bạn sẽ đáp lại như thế nào? Bạn có thực sự hiểu điều mà sứ đồ Phao-lô nói không?
Câu kinh thánh 1 Cô-rinh-tô 10:31 rất đỗi quen thuộc, chúng ta luôn luôn cho rằng mình hiểu nó, kể cả thực tế là chúng ta không hiểu. Bản thân nghĩa của câu 1 Cô-rinh-tô 10:31 có vẻ đã quá rõ ràng: làm vinh hiển Chúa trong tất cả mọi việc bạn làm. Vâng, tất nhiên đó là lẽ thật rồi.Nhưng, Phao-lô thực sự có ý gì khi nói “làm vinh hiển danh Chúa” hay khi nói “trong mọi sự”?
Nếu chúng ta áp dụng câu kinh thánh bằng cách cảm ơn Chúa vì chiếc pizza ngon tuyệt chúng ta đang ăn thì chúng ta đã hiểu sai ý của sứ đồ Phao-lô – mặc dù chắc chắn ông ấy muốn chúng ta cảm tạ Chúa vì điều đó (1 Cô-rinh-tô 1:30). Phao-lô có một suy nghĩ khác, cụ thể hơn – một thứ khá liên quan đến mỗi chúng ta. Khi chúng ta nhìn vào câu kinh thánh trên với góc nhìn rộng hơn, chúng ta thấy mệnh lệnh của sứ đồ Phao-lô dành cho mỗi chúng ta là phải làm tất cả vì sự vinh hiển của Chúa liên quan đến cả những thần tượng văn hóa, lương tâm của Cơ Đốc Nhân và cách chúng ta sống trước một thế giới đầy những con người vô tín.
Sự tự do mới tuyệt vời
Phao-lô bắt đầu luận điểm của mình ở đầu chương 8. Ở đó, chúng ta thấy rằng đồ ăn là vấn đề lớn với sự tự do của Cơ Đốc Nhân tại hội thánh Cô-rinh-tô và đặc biệt hơn là vấn đề “thờ cúng thần tượng” (1 Cô-rinh-tô 8:1). Tất cả mọi môn đồ tại hội thánh Cô-rinh-tô (trừ một số người Do Thái) trước đây đều đã thờ những thần tượng khác.Khi họ trở thành Cơ Đốc Nhân, họ từ bỏ những thần tượng này và tất cả những hình thức thờ phượng liên quan đến nó.
Vấn đề lớn là việc thờ thần tượng đã len lỏi vào đời sống, việc buôn bán và đời sống cộng đồng – nó có ảnh hưởng văn hóa rất lớn.Đền thờ các thần là trung tâm của cả xã hội, mang tính chất và chức năng y hệt những nơi ăn uống công cộng (1 Cô-rinh-tô 8:10). Và phần lớn thịt được bán ở chợ và được làm tại nhà đều đã được cúng cho thần tượng (1 Cô-rinh-tô 10: 25, 27). Điều đó có nghĩa ăn thịt có thể hiểu là thờ thần tượng và đó là sự phản bội Đức tin của Cơ Đốc Nhân (1 Cô-rinh-tô 8:10).
Tuyệt diệu thay, một vài Cơ Đốc Nhân tại Cô-rinh-tô phát hiện ra rằng “… thần tượng trong thế gian không hiện hữu, chỉ có một Đức Chúa Trời chứ không có thần nào khác.” (1 Cô-rinh-tô 8:4). Vì không có cái gọi là thần tượng trong thế gian nên thịt để thờ cúng thần tượng là thịt không để thờ cúng bất kì cái gì cả (1 Cô-rinh-tô 10: 19-20). Do đó, việc ăn thịt đã thờ cúng cho thần tượng không phải là thờ thần tượng nếu những người ăn biết thần tượng là không có thật. Họ được tự do ăn thịt với một lương tâm trong sáng. Và Phao-lô cũng đồng ý với họ (1 Cô-rinh-tô 10:26, 29).
Sức mạnh của sự tự do để hủy phá
Mặc dù vậy, Phao-lô không đồng tình với cách mà một số Cơ Đốc Nhân sử dụng sự tự do mới của mình. Hơn nữa, một vài Cơ Đốc Nhân tại Cô-rinh-tô đã cho rằng việc tận hưởng sự tự do mới này có giá trị cao hơn lợi ích thuộc linh của những người khác. Trước hết, không phải tất cả mọi Cơ Đốc Nhân tại đây đều “sở hữu kiến thức này” (1 Cô-rinh-tô 8:7). Một vài người trong số họ, có lẽ là những người mới cải đạo hoặc có lương tâm mềm yếu, vẫn cảm thấy rằng việc ăn đồ ăn dùng để thờ cúng là một dạng thờ thần tượng. Đối với họ, ăn thịt đã thờ cúng là chối bỏ Đấng Christ.
Thứ hai, với những người khác, những người không tin rằng thần tượng là có thật, lại đối mặt với một loại cám dỗ khác khi ăn thịt. Nhiều người khi cải đạo ở Cô-rinh-tô đã phải trả những cái giá rất đắt để trở thành Cơ Đốc Nhân.Từ bỏ các tôn giáo ngoại đạo có nghĩa là từ bỏ các phong tục xã hội, truyền thống gia đình và mạng lưới tình bạn.Thậm chí, một sồ người còn mất việc. Bạn có thể tượng tưởng sự cám dỗ mà những người này gặp khi vẫn phải có một số sự tôn kính nhất định với tôn giáo thịnh hành để tránh mất việc làm, địa vị xã hội và sự chối bỏ của gia đình.
Thứ ba, có những vấn đề liên quan đến việc làm chứng về phúc âm cho những người ngoại đạo đang dõi theo những Cơ Đốc Nhân. Những người ngoại đạo sẽ nghĩ như thế nào khi những Cơ Đốc Nhân cố tình ăn thịt đã thờ cúng thần tượng? Họ có thể sẽ cho rằng những Cơ Đốc Nhân cũng thờ thần tượng giống như họ, và do đó không có lý do gì để chú ý đến những lời làm chứng lạ thường của các Cơ Đốc Nhân. Và những người Do Thái sẽ nghĩ như thế nào? Rằng Cơ Đốc Nhân là những kẻ ngoại đạo và Cơ Đốc Giáo là dị giáo.
Vậy, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở những người ở Cô-rinh-tô rằng có nhiều thứ đang bị đe dọa hơn là việc ăn thịt đã thờ cúng. Nếu những Cơ Đốc Nhân có lương tâm trong sáng khi ăn thịt đã thờ cúng không cẩn thận, sự tự do của họ có thể hủy hoại đức tin của những Cơ Đốc Nhân (1 Cô-rinh-tô 8:9-11) hoặc hủy phá danh của Chúa Giê-xu giữa những người không tin (1 Cô-rinh-tô 10:27-29).
Sự tự do thật của Cơ Đốc Nhân
Đó là lý do là Phao-lô nói, “Cho nên, nếu thức ăn tạo cớ vấp phạm cho anh em, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt, để khỏi tạo cớ vấp phạm cho anh em tôi” (1 Cô-rinh-tô 8:13). Và sau đó, ông tiếp tục diễn tả ý của mình trong suốt cả chương 9 rằng có nhiều cách mà Phao-lô tự nguyện từ bỏ những gì mà ông, một Cơ Đốc Nhân được tự do làm – chứ chưa nói đến sứ đồ – như nhiều loại đồ ăn, thức uống, việc kết hôn, việc nhận lương cho công việc mình làm (1 Cô-rinh-tô 9:4-7).
Toàn bộ định hướng trong cuộc đời Phao-lô là mang càng nhiều người đến với Tin Lành càng tốt (1 Cô-rinh-tô 9:22-23), và vì vậy, ông cố loại bỏ càng nhiều chướng ngại vật cản trở người ta đến với Tin Lành càng tốt (1 Cô-rinh-tô 9:12). Đối với Phao-lô, đây là sự tự do thật của Cơ Đốc Nhân: “Dù rằng với mọi người, tôi đã là người tự do, nhưng tôi đã tự trở thành nô lệ cho người để có thể chinh phục thêm nhiều người.” (1 Cô-rinh-tô 9:19). Khi Phao-lô nghe thấy những người ở Cô-rinh-tô đang tranh cãi với nhau xem liệu họ có được tự do ăn đồ thờ cúng hay không, ông đã nhắc nhở họ rằng họ đang hiểu sai vấn đề:
“Mọi sự đều được phép làm, nhưng không phải mọi sự đều có ích.Mọi sự đều được phép làm, nhưng không phải mọi sự đều xây dựng.” (1 Cô-rinh-tô 10:23)
Đối với Phao-lô, đây mới chính là sự tự do thật của Cơ Đốc Nhân: làm tất cả những gì cần thiết để yêu người lân cận mình vì cớ danh Chúa Giê-xu.
Làm tất cả vì sự vinh hiển của Chúa
Đây là điều mà Phao-lô nghĩ khi ông viết: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm vì vinh quang của Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 10:31). Chúng ta làm vinh hiển danh Chúa, khi, ngoài tình yêu cho Chúa, chúng ta từ bỏ quyền lợi của mình, tự do của mình, trong việc ăn hoặc uống hay bất kì việc gì để làm những gì yêu thương nhất cho người khác, hay vì “… tăng trưởng và vui mừng trong đức tin của anh em”(Phi-líp 1:25)hoặc cứu được vài người (1 Cô-rinh-tô 9:22). Câu tiếp theo của Phao-lô nói: “Đừng gây cớ vấp phạm cho người Do Thái, hay người Hi Lạp, hay là Hội Thánh của Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 10:32).
Bây giờ, hãy trở lại chiếc pizza ngon lành của chúng ta. Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ được tôn vinh khi chúng ta hết lòng vui hưởng sự trọn vẹn của trái đất mà Chúa, Ngài đã tạo ra để chúng ta hưởng thụ (1 Cô-rinh-tô 10:26). Sứ đồ Phao-lô là người ủng hộ tuyệt vời cho sự tự do của chúng ta khỏi mọi sự kiêng cữ các thức ăn và tất cả mọi thứ khác (1 Ti-mô-thê 4:1-3). Ông nói rất rõ: “Thức ăn không làm chúng ta gần Đức Chúa Trời hơn; nếu không ăn cũng chẳng xấu, còn ăn cũng chẳng tốt hơn.” (1 Cô-rinh-tô 8:8). Và “Vì mọi vật do Đức Chúa Trời tạo dựng đều tốt đẹp, không có vật gì đáng loại bỏ, miễn là được tiếp nhận với lòng biết ơn; vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được thánh hóa.” (1 Ti-mô-thê 4:4-5). Vì vậy, Phao-lô sẽ không bị xúc phạm nếu chúng ta áp dụng 1 Cô-rinh-tô 10:31 khi chúng ta thưởng thức chiếc pizza ngon lành của mình – miễn là chúng ta không quên rằng có một cách tuyệt vời hơn để làm vinh hiển danh của Chúa: tình yêu hi sinh.
Và thứ tình yêu hi sinh này vẫn cần thiết, thậm chí là đặc biệt cần thiết, khi nói đến các quyền tự do của Cơ Đốc Nhân. Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta có những thần tượng văn hóa, những vị thánh khác, sự theo dõi của những người không tin. Vì vậy, trong “tất cả mọi điều bạn làm” , đừng chỉ sử dụng sự tự do của mình để đuổi theo những điều làm bạn cảm thấy thoải mái, mà hãy sử dụng sự tự do của mình để đuổi theo lợi ích thuộc linh tối thượng của những người lân cận. Là một Cơ Đốc Nhân, bạn được tự do khỏi mọi xiềng xích: những xiềng xích bên ngoài của lẽ thật sai lầm hay bên trong là sự ích kỉ của bạn. Bạn được tự do vui hưởng tất cả những gì Chúa đã cung cấp, được tự do khỏi sự kiêng cữ vì cớ tình yêu. Hãy làm tất cả những điều cần làm để làm vinh hiển danh của Chúa.
(Jon Bloom (@Bloom_Jon) là tác giả, thành viên hội đồng quản trị và là nhà đồng sáng lập của desiringGod.org. Ông là tác giả của ba cuốn sách: “Not by sight”, “Things not seen” và “Don’t follow your heart”. Ông và vợ hiện đang sống cùng năm người con tại Twin Cities.)
Tin bài dịch: Nhóm Dịch Thuật – Mục vụ Truyền Thông Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam
Lược dịch từ: desiringgod.org