Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – “Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Giê-xu.” (Phi-líp 4:6-7)
Bạn bị bạn gái bỏ rơi. Gia đình có xung đột. Người phối ngẫu ngoại tình. Bạn thân nhất phản bội bạn. Vị hôn phu phá bỏ hôn ước. Huấn luyện viên loại bạn ra. Một phe phái trong Hội Thánh muốn bạn ngừng mục vụ của mình. Bạn phải chịu khổ sở vì bất công. Hội Thánh từ chối bạn. Vợ rời bỏ bạn và không cho bạn gặp các con. Bạn vẫn chưa thể có con.
Nhiều cảm xúc khác nhau được khơi lên bởi những kinh nghiệm đau thương này; nhưng thất vọng là cảm xúc thống trị tất cả. Hy vọng tan vỡ. Mơ ước cũng tiêu tan. Những kỳ vọng không được đáp ứng. Những sự kiện bên ngoài và quyết định của người khác gây nên sự thất vọng đầy đau đớn. Nó trái ngược với hy vọng và niềm vui phía trước nó mang lại. Thay vào đó, nó nhìn lại với sự giận dữ, cay đắng, oán giận, buồn bã và tuyệt vọng.
Bạn đơn giản là không thể thoát khỏi sự thất vọng trong thế giới đổ vỡ này (xem sách Truyền Đạo). Dù cho có sự quá lạc quan trong lễ phát bằng gợi lên hy vọng cho các sinh viên tròn mắt vì ngạc nhiên vào mỗi mùa xuân, sớm hay muộn tất cả những điều đó sẽ kết thúc trong thất vọng. Bạn bè, gia đình sẽ khiến họ thất vọng. Nhà tuyển dụng sẽ làm họ thất vọng. Quốc gia của họ cũng vậy. Đôi khi họ sẽ cảm thấy Đức Chúa Trời cũng khiến họ thất vọng.
Nếu thất vọng là điều không thể tránh khỏi, vậy làm thế nào để chúng ta vực dậy?
1/ Chuẩn bị
Đầu tiên, hãy chuẩn bị nhưng đừng trở nên như người theo chủ nghĩa hư vô. Nếu chúng ta áp dụng một thái độ thực tế về thế giới này, thì chúng ta sẽ mong đợi có sự thất vọng mà không bị lung lay hoặc cuốn trôi khi nó xảy đến. Đó không phải là chủ nghĩa thất bại hay bi quan mà là hiện thực. Nó liên quan đến sự mong đợi và niềm vui trong sự nhân từ và hiền lành của Đức Chúa Trời và người khác. Nhưng chúng ta cũng không nên rơi vào sự tự tin thái quá và tự mãn. Bằng cách này, chúng ta giữ mình vì thân thể này sẽ qua đi, mà không mất đi ích lợi của việc vui mừng trong Chúa khi mọi việc đều tốt đẹp. (xem Thi Thiên 104 và Thi Thiên 136)
2/ Chia sẻ
Hãy chia sẻ sự thất vọng của bạn. Thưa với Chúa về những gì bạn đang trải qua. Hoàn toàn trung thực và không giấu diếm điều gì. Diễn tả những gì bạn đang cảm thấy. Hay nếu không thể diễn tả thành lời, hãy than khóc với Ngài (Thi Thiên 56:8) và cầu xin Chúa giải nghĩa và trân quý chúng.
Hay là, bạn có thể sử dụng ngôn từ trong những đoạn Thi Thiên than khóc (ví dụ: Thi Thiên 44, 60, 74, 79, 88). Những bài Thi Thiên này chứa nhiều liệu pháp tập chú vào Chúa cho những ai đang thất vọng. Lưu ý rằng, trước giả Thi Thiên không cố giấu sự thất vọng của mình khỏi Chúa. Người đó biết rằng, việc che giấu và chối bỏ không bao giờ dẫn đến sự chữa lành.
Nhưng đừng chỉ thưa chuyện với Chúa mà thôi; cũng hãy tâm sự với anh em trong Chúa nữa. Chúng ta cần mọi sự giúp đỡ trong lúc này. Chính vì thế, trong khi chúng ta trao mọi điều lo lắng mình cho Chúa, biết rằng Ngài chăm sóc chúng ta (1 Phi-e-rơ 5:7), chúng ta cũng nhờ anh em trong đức tin chia sẻ gánh nặng của sự thất vọng với chúng ta (Ga-la-ti 6:2).
3/ Nhớ lại
Nhớ rằng Chúa Giê-xu đã nếm trải sự thất vọng sâu sắc trong những ngày trên đất. Các môn đồ liên tiếp làm Ngài thất vọng. Tất cả đều lìa bỏ Ngài, một người chối Ngài, và một kẻ thậm chí phản bội Ngài. Ngài thấu rõ nỗi đau và sự mệt mỏi bạn đang trải qua. Ngài có thể đồng cảm với bạn và giúp sức khi bạn bối rối (Hê-bơ-rơ 4: 15). Ngài là người bạn thân thiết hơn cả anh em ruột thịt (Châm ngôn 18: 24). Ngài sẽ không lìa khỏi bạn, không bỏ rơi bạn đâu.
4/ Đầu phục
Hãy thuận phục và chấp nhận trong sự khiêm nhường hơn là chiến đấu trong kiêu ngạo để đi qua thung lũng tối tăm này và bước đến với ánh sáng. Việc trả thù người làm chúng ta thất vọng hay giận dữ nghịch lại Chúa không mang lại kết quả gì. Không, chúng ta phải xưng nhận rằng, “Chúa ơi, con không hiểu tại sao họ làm như vậy hay việc Ngài cho phép những điều này xảy ra. Nhưng con cúi xuống trước quyền tể trị của Chúa và tin rằng Ngài biết điều tốt nhất và đó là cho ích lợi của con.” Điều này không có nghĩa công lý không nên được đeo đuổi khi chúng ta bị đối xử bất công; nhưng là để giao quyền quản trị công lý cho Chúa và những người Ngài đã ủy thác nhiệm vụ này.
5/ Tăng trưởng
Hãy dùng sự thất vọng cho sự tăng trưởng trong sự thánh hóa và phục vụ. Đối với sự thánh hóa, biến nỗi đau của bạn thành quyết tâm không bao giờ gây ra điều tương tự với người khác nếu có thể. Hoặc có thể nhìn lại cuộc đời mình và nghĩ về những lúc bạn làm người khác thất vọng và xem liệu bạn có thể đặt nó vào con đường tin kính. Bạn cũng có thể dùng sự thất vọng để phục vụ người khác bằng việc giảng cho những người đang thất vọng xung quanh bạn với niềm an ủi bạn đã nhận từ nơi Đức Chúa Trời (2 Cô- rinh-tô 1:4).
6/ Hy vọng
Cuối cùng, nhen lại niềm hy vọng đời đời. Khi hy vọng trên đất tiêu tan, dù trong một khoảng thời gian, Cơ Đốc nhân vẫn còn niềm hy vọng thiên thượng, điều mà không một niềm thất vọng nào có thể lấy đi được. Thật vậy, sự thất vọng trên đất giúp chuyển hướng hy vọng của chúng ta đến niềm hy vọng thuộc linh và đời đời. Sẽ có một ngày, một ngày đời đời trong tương lai không xa, khi mọi sự thất vọng được cất đi và khi mọi vật không chỉ nên mới mà còn được mới mãi; mọi nguồn của sự thất vọng sẽ được cất đi, và mọi hy vọng của chúng ta sẽ được đầy trọn (Khải Huyền 21:1-8)
Tin bài: Nhật Tân
Lược dịch từ: DesiringGod.org