Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Chuyến truyền giáo ngắn hạn vừa kết thúc vài tuần trước, bạn trở về với cuộc sống thường ngày và không còn bận tâm nhiều về đất nước bạn vừa đi đến nữa. Những nỗi lo thường ngày đang xâm chiếm tâm trí bạn, khiến bạn dần lãng quên những gì đã làm trong chuyến đi.
Qua những chuyến đi, bạn được trải nghiệm và tăng trưởng trong đức tin. Tuy nhiên, chỉ cần 1-2 tuần sau đó, bạn lại bị cuốn vào những công việc thường ngày và lãng quên những gì Chúa đã đặt để trong tấm lòng của bạn. Điều này xảy ra rất tự nhiên, bởi con người chúng ta là như vậy. Khi đi truyền giáo, hội thánh và cá nhân bạn hướng đến việc kết nối và chia sẻ phúc âm cho những người sinh sống tại đất nước bạn đến. Và sau khi đã hoàn thành, bạn quay trở về và thực hiện những sinh hoạt thường ngày.
Tuy nhiên, Chúa kêu gọi bạn ra đi với lý do và mục đích rất cao cả. Vậy, đáp ứng của bạn sau mỗi chuyến đi là gì? Hãy thay đổi thói quen và tập trung vào sự kêu gọi rõ ràng từ Thiên Chúa trong việc ra đi. Và dưới đây là 8 gợi ý giúp bạn giữ lửa truyền giáo sau những chuyến đi ngắn hạn:
1/ Cầu nguyện
Hằng ngày, trình dâng lên Chúa về những công việc bạn đã đảm nhiệm trong chuyến truyền giáo. Tiếp tục cầu nguyện cho các giáo sĩ trọn thời gian và những người dân mà bạn từng gặp. Cầu nguyện cho những người cùng hội thánh với bạn và xin Chúa cho họ niềm đam mê truyền giáo nhiều hơn. Xin Chúa giúp bạn tươi mới mỗi ngày, giữ tấm lòng bạn tập trung vào công việc truyền giáo và tìm kiếm ý muốn của Ngài cho những chặng đường tiếp theo.
2/ Chia sẻ
Bạn đã kể với bạn bè về những trải nghiệm của mình chưa? Đây có thể là cách tốt nhất khiến mọi người trong hội thánh của bạn và cộng đồng cơ đốc quan tâm nhiều hơn về sứ mạng truyền giáo. Chia sẻ với những người đáng tin cậy về những điều bạn kinh nghiệm Chúa trong chuyến đi hoặc Chúa được tôn vinh, ca ngợi thế nào trong nền văn hóa khác. Bạn cũng có thể xin mục sư và ban chấp sự cho phép bạn được chia sẻ điều này trước hội chúng, trong thì giờ cầu nguyện hoặc buổi lễ sáng Chúa Nhật.
3/ Yêu thương
Hãy quan tâm đến những giáo sĩ mà bạn biết, họ là những người thường chịu đựng những đau khổ thầm lặng nhất. Hãy viết e-mail hoặc gọi điện định kỳ cho họ. Gửi thư cho họ, chia sẻ về việc hội thánh của bạn đang cầu nguyện cho họ. Ghi nhớ những ngày đặc biệt của họ (ngày cưới, sinh nhật của họ hoặc con cái họ) và quan tâm đến những nhu cầu cá nhân của họ.
4/ Dâng hiến
Các hoạt động sẽ không được thực hiện nếu không có ngân sách, vì vậy, hãy tình nguyện dâng hiến vào một hoạt truyền giáo hoặc mục vụ nào đó. Hãy coi việc trở thành người hỗ trợ hàng tháng cho các giáo sĩ tại nhiều nơi là một khát khao của bạn. Chúa kêu gọi một số người trong chúng ta ra đi và một số khác hỗ trợ (cầu nguyện, dâng hiến….) nhưng Ngài gọi tất cả chúng ta tham gia vào truyền giáo. Có thể bạn nhận ra rằng những chuyến đi truyền giáo không dành cho bạn. Vậy nếu không phải là một người ra đi, hãy là một người sai phái.
5/ Đọc và tìm hiểu
Có hàng nghìn cuốn sách về truyền giáo. Hãy tham khảo các bài viết về các mục sư truyền giáo và giáo sĩ (chẳng hạn: Giới thiệu về Truyền giáo toàn cầu (Introduction to Global Missions), Cả thế giới reo mừng (Let the Nations Be Glad), Sự kêu gọi làm giáo sĩ (The Missionary Call). Hãy học những điều Kinh Thánh nói về truyền giáo. Đọc về các vị anh hùng truyền giáo, học sự vâng phục, sự chiến đấu và phục vụ của họ. Hãy tìm tòi trên các trang mạng về truyền giáo trong một thế giới hiện đại. Hãy tìm hiểu xem một người hầu việc trọn thời gian, xuyên văn hóa cần phải chuẩn bị những gì…..
6/ Theo dõi
Hầu hết các nhà truyền giáo dùng mạng xã hội: Facebook, Twitter, Tumbler, E-mail, YouTube hoặc một loại hình thông tin điện tử khác. Hãy theo dõi các hoạt động thường xuyên của những người bạn mới đi truyền giáo. Đăng nhập để nhận thư và e-mail cầu nguyện. Nhiều nhà truyền giáo chia sẻ cả những điều lạ lùng lẫn những điều giản dị, niềm vui và thử thách. Truyền thông đa phương tiện có những lợi ích vô cùng to lớn đối với mục vụ truyền giáo trong suốt 10 năm qua. Các nhà truyền giáo đều kết nối mạng và thường xuyên chia sẻ những trải nghiệm của mình nhằm giúp các tín hữu khác biết được công việc Chúa ở khắp mọi nơi và qua đó Đấng Christ được tôn cao.
7/ Quay trở lại
Hãy lên kế hoạch cho chuyến đi ngắn hạn tiếp theo của bạn. Đánh dấu nó trên lịch. Hãy biến những chuyến đi hằng năm là ưu tiên của gia đình và hội thánh bạn. Bạn càng tham gia vào công cuộc truyền giáo, bạn càng sâu nhiệm hơn về tình yêu của Chúa đối với những người hư mất. Khi có nhiều kinh nghiệm về truyền giáo, nếu bạn có thể giúp tổ chức và hướng dẫn những chuyến đi tiếp theo, hãy đề nghị lãnh đạo hội thánh của bạn về việc này. (Tuy nhiên cần bảo đảm rằng bạn không tiến hành truyền giáo một cách sai lầm).
8/ Khám phá
Nhận biết qua sự cầu nguyện xem Chúa có đang gọi bạn cam kết với một hoạt động truyền giáo dài hạn hay không. Nhiều nhà truyền giáo trọn thời gian ban đầu đã phát triển đam mê truyền giáo trong chuyến đi ngắn hạn. Có thể mùa hè này là lần đầu tiên bạn gặp các giáo sĩ. Giờ đây bạn biết các nhà truyền giáo không phải là những Cơ Đốc nhân siêu phàm; họ đơn giản chỉ là những người sẵn lòng tiếp nhận sự kêu gọi. Chúa có muốn bạn vượt qua nền văn hóa của chính mình để đến một nơi hoàn toàn mới nhằm mở mang vương quốc Đức Chúa Trời hay không? Hãy nài xin Chúa bày tỏ rõ ràng để bạn nhận biết được sự kêu gọi từ Ngài.
Mở rộng khải tượng
Không phải mọi hội thánh đều đang đi truyền giáo, ngày nay, chỉ một số Cơ Đốc nhân từng tham dự vào việc truyền giáo hoặc hỗ trợ truyền giáo mà thôi. Đây là một nỗi buồn đáng báo động các cơ đốc nhân đang “ngồi lì chỗ an toàn”. Hãy ra đi và cùng kinh nghiệm những gì Chúa đang hành động trên các dân tộc khác.
Hãy sốt sắng đến với những người hư mất bởi Đức Chúa Trời sốt sắng đến với những người hư mất thông qua hành động truyền giáo.
Bạn đang làm gì để đem Tin Mừng đến cho những người lân cận? Bạn có đang ngồi yên ở chỗ an toàn và không dám bước đi. Hãy mạnh dạn nhận lấy năng quyền của Đức Thánh Linh và hành động, để bạn không còn giữ tình yêu của Chúa cho riêng mình.
Tin bài: Quỳnh Vũ
Lược dịch từ: TheGospelCoalition.org