Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Nhiều năm qua tôi đã dẫn thờ phượng trong các nhóm tế bào. Tôi rất yêu thích công việc này! Hầu hết những nhóm tế bào mà tôi dẫn thờ phượng đều cảm thấy trân trọng âm nhạc thờ phượng, và họ có một khao khát thờ phượng cùng nhau mãnh liệt hơn.
Một điểm chung tôi thấy ở các nhóm tế bào tăng trưởng mạnh mẽ là họ cùng nhau thờ phượng. Những nhóm này, bằng mọi cách, luôn ngồi lại với nhau trong hầu hết các buổi lễ thờ phượng cuối tuần, tham dự các buổi nhóm thờ phượng và nói chuyện về sự thờ phượng. Tuy nhiên, thật đáng buồn là nhiều nhóm tế bào khác chưa khám phá và kết hợp được viên ngọc quý này.
Có 2 rào cản lớn cho sự thờ phượng đầy ý nghĩa ở các nhóm tế bào là sự dẫn dắt thờ phượng bằng âm nhạc và quan niệm sai lầm rằng thờ phượng là âm nhạc. Thờ phượng theo như Kinh Thánh thì còn hơn cả âm nhạc và không thể đồng nghĩa với âm nhạc (xem Rô-ma 12). Bản chất của thờ phượng là đức tin, không phải là âm thanh trong âm nhạc. Thờ phượng, theo như Kinh Thánh, là bày tỏ đức tin. Có rất nhiều cách để tôn vinh Chúa mà không cần nhạc. Tuy nhiên, một trong những cách phổ biến nhất, đẹp đẽ nhất, hiệu quả nhất để thể hiện đức tin tập thể là dùng âm nhạc.
Dưới đây là một vài lời khuyên thiết thực dành cho việc dẫn thờ phượng có âm nhạc khi nhóm tế bào.
1. Đừng e ngại:
Trong các cuộc khảo sát, nếu như phát biểu trước công chúng là nỗi sợ số 1 của hầu hết những người trưởng thành thì hát trước công chúng thường không được nhắc tới. Hầu hết mọi người đều thích hát nhưng lại muốn hát một cách riêng tư hoặc hát ở nơi mà không ai chú ý đến giọng hát của họ. Vì thế, có thể khiến cho mọi người cùng hát trong nhóm tế bào thực sự là một thử thách. Một người dẫn thờ phượng ân cần luôn khuyến khích mọi người tham gia bằng cách tạo sự tin tưởng cho cả nhóm một cách có chủ đích.
Sự thân thiện, thoải mái và dễ thương sẽ giúp trấn tĩnh sự e ngại về phần hát trong thời gian thờ phượng. Những người dẫn thờ phượng nên tránh sự trao đổi ánh mắt trực tiếp với các thành viên trong nhóm khi hát đến những câu có nội dung trực tiếp về Chúa. Về cơ bản, nhìn chằm chằm vào người khác sẽ khiến họ lo lắng và làm cho không khí lúc thờ phượng trở nên rất kỳ quặc. Hãy thử tưởng tượng khi bạn vừa hát “Con yêu Chúa” vừa nhìn chằm chằm vào một người ngồi cách bạn không xa. Sự giao tiếp qua ánh mắt là rất quan trọng khi bạn nói trước mọi người trong nhóm, nhưng điều đó sẽ thật khó xử cho người khác khi hát trong nhóm tế bào.
Quy tắc đơn giản: chăm sóc người khác nhưng đừng nhìn họ chằm chằm.
2. Chọn sự gần gũi:
Hãy sử dụng những bài hát mà thân thuộc với cả nhóm: mọi người đều thích và dễ hát. Khi tự tin thì hát sẽ tốt hơn, và sự tự tin làm tăng lên sự thân mật. Tránh sử dụng những bài hát không quen thuộc, khó học và khó hát. Một cách khác để gần gũi hơn là chọn đúng âm điệu cho bài hát. Hầu hết các nhóm đều ngưng hát khi nốt nhạc lên quá cao. Đó là bởi vì có nhiều người phải hát to hơn khi lên cao. Một số người lại không chạm được đến những nốt cao và hầu hết mọi người đều trở nên e dè khi họ nghe thấy giọng của mình trội hơn hẳn những người khác và họ sẽ thôi không hát nữa.
Quy tắc đơn giản: sử dụng những bài hát thân thuộc và âm điệu phù hợp.
3. Kiểm soát mức độ âm thanh:
Mỗi người thường hát theo giọng của những người khác! Hãy cẩn thận đừng để giọng hát của cả nhóm bị nhấn chìm bằng âm thanh của ghi-ta hay những nhạc cụ khác. Có một sự khác biệt giữa hát to và hát với đầy năng lượng.
Quy tắc đơn giản: hát hăng say hơn và gảy đàn nhẹ hơn. Đàn ghi-ta của bạn có thể phát ra âm thanh to hơn bạn tưởng.
4. Ý nghĩa của những bài hát:
Sự góp phần vào buổi nhóm sẽ nhiều hơn khi cả nhóm liên hệ đến bài hát. Người dẫn thờ phượng có thể chia sẻ những sự kiện thú vị xung quanh bài hát đó: bài hát có ý nghĩa gì với cá nhân họ, sự liên quan đến kinh thánh hay nó có liên quan gì đến bài học của nhóm.
Quy tắc đơn giản: lên kế hoạch phần nói của bạn và hãy nói thật ngắn gọn.
5. Kết nối cả nhóm:
Mục tiêu của việc hát thờ phượng tập thể là để kết nối: kết nối chúng ta với Chúa và với nhau.
Âm nhạc là ngôn ngữ truyền đạt trực tiếp tới tâm hồn. Công việc của người dẫn thờ phượng đơn giản chỉ là dẫn dắt mọi người.
Quy tắc đơn giản: tập trung vào sự kết nối, không phải là trình diễn.
6. Có sự chuẩn bị trước:
Biết rõ giai điệu bài hát và hát với tấm lòng chan chứa. Kinh Thánh chép rằng: “Người được ân tứ lãnh đạo, hãy siêng năng lãnh đạo.” (Rô-ma 12:8) Người dẫn thờ phượng nên biết rõ giai điệu và lời bài hát của họ để cả nhóm có thể theo sự dẫn dắt của họ dễ dàng hơn. Trở thành người dẫn thờ phượng hiệu quả thì tốt hơn là một người hát hay đơn thuần. Người dẫn thờ phượng phải có một mối tương giao thực sự với Chúa Cha, sống một đời sống thờ phượng bằng đức tin.
Quy tắc đơn giản: dẫn thờ phượng cần phải có sự chuẩn bị về âm nhạc và tâm hồn.
7. Cầu nguyện không thôi:
Hãy nghĩ rằng hát với Chúa là một hình thức cầu nguyện. Đừng chỉ đơn thuần là chơi nhạc và hát. Hãy cầu nguyện nữa. Mọi người thường đáp lại với những lời cầu nguyện chân thành, đặc biệt là trong một buổi nhóm thân mật.
Hãy nhận biết những thành viên trong nhóm trong khi vẫn tập trung vào cuộc trò chuyện với Chúa qua lời bài hát. Hãy để dẫn dắt thờ phượng như là một khoảng thời gian cầu nguyện hơn là một phần “âm nhạc đặc biệt” hay buổi hòa nhạc nhỏ.
Quy tắc đơn giản: cầu nguyện và chơi nhạc.
Tin bài: Thùy Dương
Lược dịch từ: Churchleaders.com