Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Vào những buổi trưa Chủ nhật, dân sự rời khỏi nơi nhà thờ sau khi thờ phượng Chúa đi về phía bãi đậu xe. Nếu lắng nghe cẩn thận, bạn sẽ nghe thấy một điệp khúc chung gần lối ra của tất cả nhà thờ trên khắp đất này.
“Tôi không nhận được bất cứ điều gì từ bài giảng hôm nay. Cũng không nhận được gì từ phần thờ phượng.” “Tôi nghĩ là cô ấy hát bài đó cũng được, nhưng tôi không nhận được cái gì cả”.
Bạn có thấy mấy câu này quen quen không? Riêng tôi không thể đếm được bao nhiêu lần tôi đã nghe thấy điều tương tự mà chính tôi có lẽ đã nói như vậy một vài lần trong gần năm mươi năm phục vụ Chúa.
Nan đề này giống như một cái rễ thối trong dân sự. Nó giống như một đàn mối đang phá hoại một toàn nhà vậy. Đây là thứ bệnh dịch đang làm hại con dân Chúa. Tuy nhiên chúng ta dường như bất lực không thể chặn đứng.
Dù vậy, hãy cố gắng. Thử xem điều gì sẽ xảy đến nếu chúng ta tạo ra một khác biệt dù nhỏ thôi ở nơi bạn và tôi sống, trong Hội thánh nơi chúng ta phục vụ và thờ phượng Chúa. Chúng ta không có khả năng để giúp đỡ tất cả những con người này, nhưng dành thời gian hỗ trợ cho một hoặc hai người trong số đó cũng rất đáng.
“Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài” (Thi Thiên 29: 2).
1.Bạn không nên đinh ninh mình sẽ nhận lãnh khi thờ phượng
Thờ phượng không phải hướng về bạn và tôi, không phải để đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Thờ phượng cũng không phải là màn trình diễn của mục sư, người hát, ca đoàn và nhạc sĩ. Thờ phượng tuyệt nhiên không phải bất kỳ điều gì như vậy.
2.Thờ phượng là tập chú vào Chúa
Ngay trên đầu bài viết tôi đã trích dẫn Thi Thiên 29: 2 “Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài”. Câu kinh thánh này cũng xuất hiện trong Kinh thánh tại 1 Sử ký 16:29 và Thi Thiên 96: 8. Chúng ta cần cẩn trọng nghiên cứu câu kinh thánh này:
a. Chúng ta đến Hội thánh là để cho đi chứ không phải để nhận lại.
Giả dụ nếu tôi định đến một nơi nhằm “nhận lãnh”, nhưng khi đến nơi, người khác lại muốn tôi “cho đi” thì quả thực tôi đã làm một việc gây thất vọng. Nan đề điển hình này vẫn diễn ra trong Hội thánh. Nhiều người ra khỏi cổng nhà thờ bực bội vì không được “nhận”. Lý do khiến chúng ta thất vọng là vì không hiểu rằng mình ở đó không phải để “nhận lãnh” mà để “cho đi”.
Cần phải truyền thông điệp này ngay tới những người chưa hiểu.
b. Chúng ta dâng vinh hiển tới Chúa. Không phải cho con người.
Bản thân chúng ta cũng biết chứ: Bao lần chúng ta nói mình đang làm như thế. Rất nhiều lần chúng ta cũng hô vang: “….Vì nước, quyền, vinh hiển thuộc về Cha đời đời.” Bao lâu nay chúng ta vẫn hát, “Tôn vinh chân thần, nguồn ơn vô đối,…”
c. Chúng ta làm như vậy bởi vì vinh hiển phải thuộc về Ngài. Ngài là Đấng xứng đáng cho chúng ta tôn thờ.
Đây là chủ đề trong sách cuối cùng của Kinh Thánh.
- “Ai là người xứng đáng…” (Khải huyền 5: 2)
- ““Ngài xứng đáng… vì Ngài đã bị giết, lấy huyết mình chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân, mọi nước,” (Khải huyền 5: 9).
- “Chiên Con đã bị giết thật xứng đáng…” (Khải Huyền 5:12).
3. Thái độ tự coi bản thân là trung tâm phá hủy toàn bộ buổi Thờ phượng
Nếu tôi bước vào nhà thờ và chỉ tập trung về bản thân: đáp ứng nhu cầu của tôi như gặp gỡ, học hỏi lắng nghe một bài giảng để nhận lãnh ơn phước, nghe nhạc để tâm hồn được nâng lên – thì Đấng Christ không dự phần trong buổi Thờ phượng đó. Ngài trở thành người phục vụ tôi. Còn mục sư và tất cả những nhân vật khác được coi như những diễn viên biểu diễn cho tôi xem. Vì mọi thứ chỉ hướng về tôi mà thôi.
Chúng ta đã đi quá xa so với khái niệm Thờ phượng tiêu chuẩn trong Kinh Thánh là dành cho Chúa toàn quyền theo mọi cách Ngài muốn. Không hiểu sao chính chúng ta vẫn tiếp tục đến nhà thờ và còn đáng buồn hơn, nhiều khi người dẫn phải nài nỉ dân sự thờ phượng Ngài.
Đáng thương thay cho những người rao giảng! Thật khó lòng mà dốc hết sức phục vụ toàn bộ dân sự lúc nào cũng “đòi ăn”. Dù trong số ấy vẫn còn những người giỏi nhất và thánh thiện nhất thì nhiệm vụ này cũng vẫn bất khả thi. Một tuần nọ ông làm tốt nên ông được “nhấm nháp” sự tán dương. Cứ tưởng đã “giải được bài toán đói khát” này rồi, tuần sau người rao giảng lại dạy dỗ nhưng một lần nữa, dân sự lại phàn nàn rằng họ không nhận lãnh được gì từ “bữa ăn” ông phục vụ hôm nay.
Dân sự điển hình trong Hội thánh ngày nay thực sự đã nghĩ tất cả việc phục vụ này là dành cho họ – Họ được cứu chuộc, học hỏi lời Chúa, được truyền cảm hứng trong một tuần liền sau đó, được tha tội, nhận được lễ dâng từ công tác của Chúa trên khắp thế giới.
Có điều nào sai trái với những thứ đã nêu trên không? Hoàn toàn không. Chẳng ai cấm chúng ta đi nhà thờ để nhận lãnh. Nhưng nếu chỉ nhận lãnh như vậy thì chúng ta đến đó hiển nhiên không phải để thờ phượng Chúa.
Giáo sư Warren Wiersbe đã tuyên bố: “Nếu bạn thờ phượng để nhận lãnh từ Chúa thì bạn sẽ không nhận được đâu.”
4. Thờ phượng phải dẫn đến hành động: Truyền giáo & Môn Đồ hóa, Ban ra & Cầu Nguyện, Tăng trưởng Thuộc Linh
Trong lúc các môn đồ thờ phượng Chúa trong Ngày Lễ Ngũ Tuần của thì Thánh Linh Chúa tuôn đổ xuống họ, làm họ xuống đường làm chứng nhân rằng Đấng Christ đã sống lại (Công vụ: 2).
Khi đang ở trong Đền thờ thì Chúa hiện ra với Ê sai, tha thứ tội lỗi cho ông, và kêu gọi ông làm tiên tri cho dân sự (Ê sai: 6).
Khi khi môn đồ đang thờ phượng thì họ thất kinh mở to mắt vì nhìn thấy Chúa Jesus trước mặt họ (Luca: 24).
5. Chúng ta đến để tôn thờ và dâng vinh hiển cho Ngài theo đúng Mạng lệnh Ngài chỉ trong Kinh thánh
“Khá tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng danh Ngài, Đem lễ vật đến trước mặt Ngài; hãy mặc lấy trang sức thánh khiết mà thờ lạy Đức Giê-hô-va.” (1 Sử-ký 16:2 và Thi thiên 96:8)
“Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.” (Thi-thiên 51:17)
Hãy hát ca, ngợi khen, vui mừng và cầu nguyện, dâng hiến, khiêm nhường, yêu thương. Tất cả đều là mệnh lệnh khi thờ phượng tại nhiều địa chỉ khác nhau trong Kinh Thánh.
Chúa Jesus nói với người phụ nữ Samaria tại giếng nước tên Gia cốp: “Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:24). Nghĩa là: Hãy thờ phượng Chúa với toàn bộ con người bề trong, linh hồn mình chứ không chỉ bằng môi miệng hoặc chuyển động cơ thể. Qua lẽ thật ấy Chúa đã mặc khải đâu là kiểu thờ phượng đúng. Ngài không hài lòng với “bất cứ điều gì” mà chúng ta cho là thờ phượng ngày nay.
Chúng ta phải cân bằng giữa tinh thần thờ phượng (phần chủ quan: cơ thể, tâm hồn, cảm xúc) và lẽ thật (phần khách quan: tất cả những gì Chúa mặc khải trong Lời của Ngài).
6. Chúng ta là người quyết định sẽ thờ phượng khi bước vào Đền thờ của Ngài
Đừng đổ lỗi cho người giảng bài không hấp dẫn vì chính bạn chứ không phải anh ta không thờ phượng Chúa. Anh ta không thể thay bạn làm chuyện này được.
Không ai có thể ăn phần của tôi, thay tôi yêu mến những người tôi quý hoặc thờ phượng giùm tôi được.
Không ông mục sư nào có thể quyết định hoặc ra lệnh bắt chúng ta thờ phượng Chúa cho dù bài giảng của ông ấy có nói hay và mạnh mẽ đến đâu. Tôi có thờ phượng Chúa trong buổi lễ hôm nay không thì việc này cũng hoàn toàn không hề liên quan gì đến công tác của ông mục sư ấy.
Tôi chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tôi quyết định bản thân tôi sẽ thờ phượng Chúa.
Khi Ma-ri ngồi trước mặt Chúa Jesus đang thờ phượng thực tâm, Ngài bảo với Ma-tha người bất bình rằng em gái cô đã “chọn phần tốt,” vì đó “là phần sẽ không ai đoạt lấy của nàng được.”(Luca: 10:42). Quả thực thời gian dành cho thờ phượng Chúa rất đặc biệt.
E rằng sẽ có người nghĩ Ma-tha đang thờ phượng Chúa trong bếp bằng việc phục vụ Ngài. Chúng ta không tranh luận nữa mà đồng ý Ma-tha đã không làm như vậy ngày hôm đó.
7. Luôn ghi nhớ: Thờ phượng là một động từ hành động
Thờ phượng một động từ hoạt động tích cực mô tả hành động chúng ta tiến hành, chứ không phải là động từ mô tả ai đó hướng tới cho chúng ta.
Trong hoàn cảnh xấu nhất, tôi vẫn có thể thờ phượng Chúa. Dù đang ở trong ngục tại thành Phi-líp, Phao-lô và Si-la với cả tấm lưng vẫn còn chảy đẫm máu từ những lằn đòn roi, họ vẫn thờ phượng Ngài (Công vụ: 16:25).
Ngay cả khi một nhà thờ không có mục sư và phải giảng dạy cho một giáo dân nói lắp hoặc một số người chỉ đến để lấp đầy chỗ trống khi rảnh rỗi, tôi vẫn có thể cúi đầu trước mặt Chúa, ca tụng Ngài và trao cho Ngài tất cả con người tôi. Tôi sẽ hạ mình trước mặt Ngài và dâng lên Ngài phần của tôi.
Tôi không thể rời khỏi nhà thờ, đổ lỗi vì ban hát thờ trình diễn kém, bài giảng nhàm chán, hoặc bọn trẻ con ầm ĩ ở hàng ghế sau nên tôi không thờ phượng Ngài được. Tôi phải chịu trách nhiệm về chuyện tôi tôn thờ Ngài chứ không phải ai khác.
Mọi Cơ đốc nhân cần có “khả năng biết cách tôn thờ” trước khi thực hiện tôn vinh Chúa tốt. Hình như hàng triệu người tin Chúa trên toàn thế giới tôn thờ Ngài mà không hề có loại khả năng này. Giáo dân tại Malawi tụ họp dưới tán cây xoài, theo sự chỉ huy của nhà truyền giáo đã về hưu Mike Canady, vẫn được Chúa xức dầu trong buổi thờ phượng như bất kỳ ai. (Ngạc nhiên chưa các bạn? Họ không có một nhà thờ lắp những ô kính màu như chúng ta!).
Cứ khăng khăng rằng âm nhạc, cách sắp xếp và mọi thứ trang nghiêm khác cần cho thờ phượng chính là dấu hiệu đáng khinh tự lấy mình làm trung tâm của mỗi chúng ta!
Thật đáng khinh bởi vì tôi nhìn thấy điều ấy trong bản thân nên tôi căm ghét nó.
Tôi ưa thích một dàn hợp xướng quy mô lớn hơn ai cả. Tôi mê mẩn lắng nghe một người hát sô-lô cất cao giọng đưa tôi vào không gian của giáo đường uy nghiêm trong buổi lễ. Một chứng với ngôn từ tuyệt vời về ân điển và quyền năng của Chúa làm tôi sởn da ốc vì sung sướng. Và tất nhiên, với tư cách người giảng lời Chúa, tôi thích thú lắng nghe bài giảng làm tôi cảm thấy như đang trực tiếp chảy ra từ trái tim của Ngài vậy.
Tuy nhiên, trái lại tôi sẽ thật sự sai lầm nếu tự mình đòi hỏi một hay tất cả những điều kiện ở trên để thờ phượng Chúa.
Các bạn ơi! Chúng ta đang thật sự sai rồi đó!
Tiến sĩ Joe McKeever là người giảng lời Chúa, người vẽ minh họa và Giám đốc Mục vụ Hội thánh Báp tít Greater New Orleans. Website của ông: joemckeever.com/mt. Bài viết “7 Điều Chúng Ta Hiểu Sai Về Thờ Phượng” sử dụng dưới sự cho phép của ông.
Tin bài: Thùy Trang
Lược dịch từ: Crosswalk.com