Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Bạn nghĩ sao nếu tôi nói rằng Chúa Giê-xu không muốn chúng ta chỉ kiếm thêm người vào Hội Thánh? Bạn nghĩ sao nếu tôi nói rằng trong cả Kinh Thánh, Chúa không bảo chúng ta chỉ thuyết phục người khác theo đạo? Bạn nghĩ sao nếu tôi nói chỉ nhận Chúa vào lòng thôi là chưa đủ?
Phải chăng văn hóa tiện ích và chủ nghĩa tiêu dùng đã thay đổi cách chúng ta rao giảng Tin Lành? Chúng ta có thể chia sẻ về Tin Lành, nhưng chưa chắc đó luôn là Tin Lành Chúa Giê-xu đã rao giảng. Phiên bản Tin Lành của chúng ta có thể là nhẹ nhàng và có vẻ dễ dãi hơn. Nhiều Cơ Đốc nhân không muốn sống triệt để cho Chúa. Tuy có nhiều người đón nhận thông điệp của Chúa Giê-xu, nhưng chúng ta lại lược bớt nhiều phần sâu nhiệm của thông điệp vì chúng ta e ngại nếu nói ra thì người ta sẽ bỏ đi.
Lẽ thật “bất tiện”
Với mong muốn có thêm nhiều người “theo đạo”, chúng ta thường rao giảng Tin Lành cách nhẹ nhàng, dễ dàng hơn. Ưa thích điều dễ dàng là đặc điểm nổi bật của thời đại này. Rất dễ rơi vào bẫy này khi chia sẻ Tin Lành ngày nay.
Chúng ta thường chia sẻ Phúc Âm là theo Chúa thì dễ dàng và thoải mái, nhưng lại giảm đi những gì Chúa mong đợi: Không cần phải làm gì khác trước đây đâu. Chỉ cần tin Chúa thôi!
Vác thập tự giá theo Chúa ngày nay chỉ là đeo vòng tay, vòng cổ có hình thập tự hay dán sticker hình thập tự lên xe, lên ba-lô. Trong khi ý nghĩa thực của cụm từ này là một mối quan hệ triệt để với Chúa, đòi hỏi một tình yêu hi sinh chính bản thân mình và khiêm nhường tuyệt đối. Chúa đối với chúng ta ngày nay chỉ như bảo hiểm giá trị cao họa hoằn lắm mới cần đến. Chúng ta biến Chúa Giê-xu thành một Đấng an toàn, trong khi chính Ngài đã bất chấp hiểm nguy lựa chọn sự chết vì chúng ta.
Vậy thì ông Dietrich Bonhoeffer, một Mục sư được ơn tại Đức có sai không khi tuyên bố: “Nếu Đấng Christ kêu gọi một người, Ngài muốn họ đến và chết trong Ngài?”
Chủ nghĩa “cái tôi”
Nếu chúng ta nói với một người rằng theo Chúa Giê-xu là dễ dàng, khi họ gặp khó khăn và thối lui, ai mới là người đáng trách?
Cũng chẳng ngạc nhiên gì mấy vì chúng ta sống trong nền văn hóa kinh tế thị trường nơi nhiều người đến Hội thánh có cùng một thái độ: Cách tôi làm, sở thích và những mong muốn của tôi là quan trọng nhất. Nếu không theo cách tôi muốn, tôi sẽ đi nơi khác.
Chúng ta quên mất rằng Chúa Giê-xu là trọng tâm của mọi việc, chứ không phải chúng ta.
Chúa chỉ giống như một phần trong cuộc sống của chúng ta, trong khi đúng ra Ngài phải là toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Ngài chính là sự sống. Bước đường theo Ngài không chỉ là một quyết định nhất thời mà là cả con đường đời dài. Các môn đồ xưa kia ăn ngủ và sống chết với mục vụ vì Chúa kêu gọi họ cho đến ngày họ lìa đời. Chúa Giê-xu không chỉ xuất hiện vào một thời điểm trong phần đời của họ. Hơn hết, Ngài là sự sống và là cuộc đời họ.
Tất cả chúng ta đều đã hoặc đang phạm tội đặt ưu tiên cho Chúa thấp. Chúng ta có thể đang ưu tiên cho sức khỏe, giàu có, niềm vui, ước vọng, sở thích; chúng ta đến với Chúa Giê-xu và mong đợi Ngài sẽ làm điều gì đó cho mình. Chúng ta đều có đam mê và lý lẽ của mình.
Tuy nhiên, Chúa Giê-xu không đến để ra rìa. Ngài đến để giành lại quyền kiểm soát trên vạn vật.
Môn đồ và Tín đồ
Nhiều người đến với Chúa với suy nghĩ chỉ cần tin, đứng trên hàng ghế dự bị của Chúa là đủ. Họ không hiểu rằng Chúa Giê-xu không tìm kiếm những người cổ vũ, Ngài tìm kiếm những người nam và người nữ dám đi theo Ngài cho dù phải trả giá ra sao. Ngài tìm kiếm những con người tận tâm từ đáy lòng, cam kết không thối lui và cống hiến trọn vẹn.
Chúa Giê-xu không tìm kiếm các tín đồ. Ngài đang tìm kiếm môn đồ.
Tín đồ là những tín hữu mới. Chúng ta đều xuất phát từ những người cải đạo con đỏ. Thông thường, nhiều người chỉ dừng lại mức độ này, đạo Tin Lành đối với họ chỉ là giáo lí Tin Lành chứ chưa phải là lối sống Tin Lành. Thực ra làm tín đồ cũng không hẳn là xấu xa hay sai trái gì. Tín đồ giống như trẻ sơ sinh – con đỏ. Làm con đỏ cũng không sai. Vấn đề nảy sinh khi họ không thay đổi và không tăng trưởng. Khi một đứa trẻ còn bé cư xử theo kiểu trẻ thơ – bé rất đáng yêu. Nhưng hãy nghĩ xem, khi một người 35 tuổi lại cư xử như đứa trẻ thì có đáng buồn không? Phao-lô viết trong 1 Cô-rinh-tô 13:11 “Khi còn là trẻ con, tôi nói như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con, lý luận như trẻ con; nhưng khi đã trưởng thành, tôi bỏ những điều thuộc về trẻ con.”
Qua nhiều năm, các hội thánh nỗ lực để giúp nhiều người quyết định tiếp nhận Chúa Giê-xu. Đây là công tác tuyệt vời và quan trọng. Nhưng cần làm gì tiếp theo? Bước tiếp tới là gì? Chúng ta rèn luyện Cơ đốc nhân mới theo cách nào để họ tăng trưởng?
Sứ mệnh của chúng ta không phải chỉ cải đạo người khác làm tín đồ mà còn để tạo môn đồ. Vậy, tín đồ và môn đồ có những điểm khác biệt gì?
- Tín đồ là những tín hữu sống theo cách như thế gian. Môn đồ là tín hữu sống như Chúa Giê-xu.
- Tín đồ tập trung vào giá trị, sở thích, lo lắng, sợ hãi, những mối ưu tiên, và lối sống của bản thân mình. Môn đồ chỉ tập trung vào Chúa.
- Tín đồ có mặt tại hội thánh. Môn đồ chính là hội thánh.
- Tín đồ góp mặt vào các mục vụ. Môn đồ cam kết cuộc đời mình thực hiện mục vụ.
- Tín đồ cổ vũ từ hàng ghế dự bị. Môn đồ tham gia trận đấu.
- Tín đồ nghe lời dạy của Đức Chúa Trời. Môn đồ sống theo lời dạy của Ngài.
- Tín đồ tuân theo các luật lệ, qui định. Môn đồ theo Chúa Giê-xu.
- Tín đồ tin rằng Chúa có thể làm điều mới. Môn đồ trở nên mới.
- Tín đồ thích thoải mái, tự do. Môn đồ chấp nhận hy sinh.
- Tín đồ chỉ nói. Môn đồ hành động để tạo ra thêm nhiều môn đồ khác.
Môn đồ là người hết lòng tuân theo đời sống và tấm gương sáng của Chúa Giê-xu. Môn đồ coi sứ mệnh của Ngài là sứ mệnh của mình, giá trị của Ngài là giá trị của mình, tấm lòng của Ngài là tấm lòng của mình.
Môn đồ hết tâm trí hết linh hồn tìm mọi cách để trở nên giống Chúa. Môn đồ cam kết với Chúa đến nỗi dám theo Ngài dù phải vượt qua thung lũng bóng chết.
Môn đồ tìm được bản sắc, mục đích và ý nghĩa của mình trong Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là trung tâm của cuộc đời họ. Họ cam kết tất cả và trọn vẹn trong Ngài.
Môn đồ không chỉ sẵn sàng chết cho Chúa, mà dám sống mỗi ngày cho Ngài.
Tin bài: Thùy Trang
Lược dịch từ: Relevantmagazine.com