VECC – Đã bao giờ bạn cảm thấy sợ phải đến buổi nhóm Chủ Nhật dù bạn biết rằng mình nên thấy vui mừng? Hay bạn cảm thấy sự thông công trong Hội Thánh như được buộc vào mìn vậy? Có lẽ sự khó chịu và thờ ơ của các Cơ Đốc nhân khác khiến bạn cảm thấy Đấng Christ đã lãng quên bạn. Nếu đúng là như vậy, bạn đã quen với những tổn thương ở Hội Thánh.
Không phải “Nếu”, mà là “Khi nào”
Một điều chắc chắn của việc cam kết với bất kỳ Hội Thánh địa phương nào đó là, sớm hay muộn sẽ gây ra sự tổn thương. Dù đó là sự thất vọng nhỏ, những vụ bê bối, hay sự tàn phá của mâu thuẫn nội bộ, Hội Thánh địa phương luôn khiến chúng ta mong mỏi điều gì đó tốt hơn.
Về mặt tương đối thì sự tổn thương nhỏ ở Hội Thánh có thể để lại cho chúng ta cảm giác mệt mỏi trong giờ nhóm, song có những vết thương nghiêm trọng hơn có thể để lại vết sẹo trong tâm hồn và thật sự mệt mỏi về thể chất khi nghĩ đến việc bước đến cửa Hội Thánh. Nó không hoàn toàn vô hại, mà nỗi đau có thể mở cửa cho những cám dỗ khác nhau: ngồi vào chỗ phán xét Hội Thánh và sự tranh chiến của Hội Thánh, khước từ việc dự phần vào công tác của Hội Thánh khiến bạn không thỏa lòng, làm tổn thương Hội Thánh với lời lẽ của mình, hay thậm chí là cùng nhau rời bỏ Hội Thánh.
Nếu chúng ta muốn chiến đấu với những cám dỗ này thay vì gia tăng sự thất vọng, chúng ta cần nhớ sự thật về các tín hữu trong Hội Thánh, về kẻ thù của Hội Thánh và Vua của Hội Thánh.
1/ Nhớ về các tín hữu trong Hội Thánh
Kinh Thánh chứa những ẩn dụ đẹp về Hội Thánh: ngôi nhà thiêng liêng (1 Phi-e-rơ 2:5), người vợ sáng chói (Khải Huyền 19:7-8), một thân (1 Cô-rinh-tô 12:12), đền thờ thánh trong Chúa (Ê-phê-sô 2:19-22). Tại sao chúng ta lại cảm thấy có một sự tương phản rõ ràng giữa những ẩn dụ trên và kinh nghiệm thực tế của chính chúng ta nơi thân thể Hội Thánh?
Hãy cùng lắng nghe khi tôi khẳng định một điều rõ ràng: Hội Thánh được tạo dựng nên từ những con người. Mặc dù Kinh Thánh miêu tả qua nhiều cách rằng con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời từ buổi sáng thế, nhưng có ít nhất ba điều không giống: chúng ta phạm tội, chúng ta bị giới hạn và chúng ta thay đổi. Mỗi một điều trên lại có thể gây ra tổn thất trong cuộc sống chúng ta.
Những con người tội lỗi làm tổn thương nhau. Đặt một nhóm người đến từ nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh xuất thân, tính cách, chủng tộc và sự đấu tranh với tội lỗi khác nhau vào cùng mối thông công, và rồi cuộc sống sẽ trở nên hỗn độn rất nhanh. Không một ai trong chúng ta là ngoại lệ. Đặc biệt khi nói đến tổn thương nhỏ trong Hội Thánh, đôi khi việc điều chỉnh những mong đợi của chúng ta có thể giúp ích. Vì tất cả chúng ta đều có khả năng gây ra tổn thương, sẽ thật là vô lý nếu mong đợi một môi trường không có tổn thương ở Hội Thánh.
Con người cũng bị giới hạn. Chỉ duy Đức Chúa Trời là vô hạn trong sự hiểu biết, tình yêu thương, năng quyền và sự khôn ngoan. Thay vì mong đợi ở người khác những điều chỉ có Chúa là Đấng cung ứng cách hoàn hảo, chúng ta cần tin cậy Chúa và hãy để con người là con người. Trên một phương diện khác, chúng ta cần nhớ rằng mọi kẻ tin, bất kể những thiếu sót của họ, đều cần thiết với thân thể Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 12:21-25). Điều đó có thể giúp chúng ta rộng lòng hơn với lãnh đạo Hội Thánh và các anh chị em khác, và nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của sự góp sức cho thân thể Hội Thánh địa phương.
Cuối cùng, bởi con người thay đổi theo thời gian, các Hội Thánh cũng thay đổi chứ không trầm lắng. Ngay cả những Hội Thánh tốt nhất cũng có thể gây nên sự thất vọng. Dù việc mong mỏi được dự phần trong một Hội Thánh lành mạnh không sai, nhưng hi vọng sau cùng của chúng ta không phải ở việc Hội Thánh địa phương mạnh thế nào, mà là ở Đầu của Hội Thánh. Mục đích của Đức Chúa Trời sẽ được ưu tiên khi Ngài xây dựng Hội Thánh theo cách của Ngài.
2/ Nhớ đến kẻ thù của Hội Thánh
Chúa Giê-xu có một kẻ thù, và đó không phải là người ở hàng ghế tiếp theo.
Sa-tan vốn căm ghét Đức Chúa Trời ngay từ lúc ban đầu, và nó muốn hủy diệt, hoặc ít nhất là kìm hãm Hội Thánh bởi đó là công cụ Chúa chọn để mở mang vương quốc của Ngài. Sa-tan muốn phá bỏ Hội Thánh nhanh như cách Chúa Giê-xu đã xây dựng nên. Kinh Thánh cho chúng ta biết nhiều danh xưng của nó bao gồm kẻ nói dối (Giăng 8:44), kẻ trộm (Giăng 10:10), kẻ tố cáo (Khải Huyền 12:10), kẻ thù (1 Phi-e-rơ 5:8), và kẻ giết người (Giăng 8:44).
Khi đề cập tới những tổn thương sâu sắc mà Hội Thánh có thể gây ra, hãy nhớ rằng ai mới là kẻ thù thật. Đằng sau những xung đột dữ dội hay người lãnh đạo không công bằng là kẻ âm mưu xảo trá trong kế hoạch thâm hiểm nhằm kiểm soát dân sự của Đức Chúa Trời, hoặc ít nhất là khiến đức tin họ không hoạt động. Nếu bạn đang tự hỏi không biết nên ở lại Hội Thánh hay rời đi, hãy nhớ rằng dù chọn cách nào thì Sa-tan cũng đang tích cực tìm người để cắn nuốt (1 Phi-e-rơ 5:8). Hãy bám lấy Chúa Giê-xu, là Đấng mà sự chết và sự phục sinh của Ngài đã đánh vào hồi chuông báo tử của Sa-tan.
Các cửa âm phủ không thắng được Hội Thánh (Ma-thi-ơ 16:18). Chúng ta biết rằng Sa-tan đã bị đánh bại trên thập tự giá, khi Đấng Christ “phế bỏ các quyền thống trị, các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng, và bêu chúng ra giữa thiên hạ.” (Cô-lô-se 2:15). Cho đến sau cùng, Sa-tan sẽ không còn quyền lực trước con dân của Chúa vì khi Đấng Christ trở lại, là lúc Ngài giao vương quốc lại cho Đức Chúa Cha, sau khi hủy diệt mọi thế lực cai trị, mọi thẩm quyền, mọi sức mạnh (1 Cô-rinh-tô 15:24-25), kể cả sự chết (1 Cô-rinh-tô 15:26). Đấng Christ sẽ đắc thắng mọi sự, và dân sự Ngài sẽ được sống vui thỏa trong Ngài đời đời, nơi không còn tội lỗi, sự chết và Sa-tan.
3/ Nhớ đến Vua của Hội Thánh
Trong mỗi hoàn cảnh khó khăn tại Hội Thánh, việc ở lại (trong đức tin) hay rời đi (trong sự khiêm nhường và tình yêu thương) đều có thể là những chọn lựa hợp lý. Khi có thể, việc vượt qua được tình huống khó khăn của Hội Thánh có thể là sự bày tỏ mạnh mẽ nhất của một tín đồ – không phải về Hội Thánh, mà là về Chúa Giê-xu. Cam kết của chúng ta với cô dâu cũng là một sự minh chứng về giá trị của Chàng Rể. Chúa Giê-xu chết thay cho cô dâu của Ngài để làm cô dâu mãi mãi thánh sạch và toàn hảo (Ê-phê-sô 5:25-27). Chúa Giê-xu tin rằng vẻ đẹp của Hội Thánh xứng đáng để Ngài dâng mạng sống mình, nên Ngài chịu chết để Hội Thánh (vợ) của Ngài được trở nên thánh khiết. Cô dâu không phản chiếu giá trị của riêng mình, nhưng là giá trị của Đấng đã tạo dựng, kêu gọi và cứu chuộc mình.
Đôi khi, cô dâu của Chúa Giê-xu phản chiếu vết nhơ tội lỗi nhiều hơn là vẻ đẹp của Đấng Cứu Chuộc. Chúng ta đều ở trong quá trình được thánh hóa cho đến khi Chúa Giê-xu trở lại. Nhưng chúng ta biết rằng đến một ngày chúng ta sẽ nhận được vinh quang, trở nên hoàn hảo vì tội lỗi đã lìa xa. Khi đó, ngay cả những người tin Chúa nóng nảy nhất cũng sẽ được nhận lấy vinh quang khi mặc áo công chính của Đấng Christ, và chúng ta sẽ thờ phượng Chúa cùng nhau trong sự hòa hợp. Cho tới lúc đó, dân sự Chúa có thể tiếp tục bày tỏ giá trị của Ngài bằng việc cam kết với Ngài, dù lúc này cô dâu vẫn còn thiếu sót, nhưng hãy tin rằng Chúa sẽ khiến cô dâu trở nên đẹp vào đúng thời điểm. Chàng Rể sẽ trở lại và đánh bại kẻ thù của Hội Thánh, bao gồm tội lỗi, sự chết và Sa-tan.
Tin bài: Mục vụ truyền thông – HTTL Giao Ước Việt Nam
Lược dịch từ: DesiringGod.org