VECC – Nhiều người trong chúng ta tốn khá nhiều thời gian để bực mình khi chúng ta không nhận được sự đánh giá xứng đáng cho công việc và sự phục vụ của chúng ta. Cám dỗ này dễ khiến chúng ta bị tổn thương, và cuối cùng chúng ta bị đả kích bởi chính những điều không ngờ chung quanh chúng ta. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp những người thân thiết nhất với chúng ta: người vợ/chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, và thậm chí là sếp.
Tuy nhiên, sự tức giận, nóng nảy đó hiếm khi ảnh hưởng được tới một Cơ đốc nhân chân chính. Đức Chúa Trời trang bị cho dân của Ngài sự chỉ dẫn thuộc linh để giúp chúng ta vượt lên trên những cám dỗ và mặc cảm tội lỗi. Với 5 phương pháp sau, chúng ta có thể bày tỏ ân điển của Chúa với những người xung quanh, ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình không được trân trọng:
1. Hãy nhớ rằng mọi người cũng nhận được sự tha thứ giống như chúng ta:
“Vì các con xét đoán người ta thể nào thì họ cũng xét đoán các con thể ấy, các con lường cho người ta mực nào thì họ cũng sẽ lường cho các con mực ấy” (Ma-thi-ơ 7:2)
Trước khi chúng ta xét đoán thiếu sót của ai đó quanh chúng ta, chúng ta phải nhìn lại chính bản thân mình trước. Hãy nhớ rằng Chúa biết cảm giác không được biết ơn là như thế nào – bởi vì chính chúng ta đã quên không dành thời gian để cảm tạ Chúa về những điều Ngài đã đáp lời cầu xin của chúng ta. Chúng ta phải mất nhiều thời gian sau đó để nhận ra rằng chúng ta đã không thể hiện lòng biết ơn của chúng ta với Ngài. Đôi lúc chúng ta cũng cần phải tha thứ cho mọi người giống như cách mà Chúa đã không lên án sự vô ơn của chúng ta.
2. Không đồng tình với những quan điểm và thái độ sai trái
“Cầu xin Đức Chúa Trời của sự kiên định và khích lệ giúp anh em sống hòa hợp với nhau theo gương Đấng Christ Giê-xu” (Rô-ma 15:5)
Chúng ta có thể bị cám dỗ trong việc nuôi dưỡng sự bực bội trong lòng với những người không biết ơn chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn giống Đấng Christ, chúng ta phải dùng cơ hội này để tha thứ cho họ. Đây là thách thức khi chúng ta muốn giữ tấm lòng trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Cầu nguyện và cầu xin sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh sẽ giúp chúng ta có tấm lòng tha thứ và tập trung vào Ngài, thay vì tập trung vào những người khiến chúng ta thấy khó chịu.
3. Nhìn nhận rằng đây là cơ hội học tập mà Chúa ban
“Để sống một cách xứng đáng cho Chúa, đẹp lòng Ngài hoàn toàn, kết quả trong tất cả việc lành, và tăng trưởng trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 1:10)
Đức Chúa Trời không bao giờ để điều gì xảy ra vô cớ, ngay cả sự thất bại của chúng ta. Thay vào đó, Ngài sử dụng điều đó để rèn luyện chúng ta, và để bộc lộ điều gì thực sự trong tấm lòng chúng ta. Là một Cơ đốc nhân, chúng ta sẽ không ngừng yêu thương và phục vụ ngay cả với những người không biết ơn. Điều này có tác động to lớn đến sự xây dựng vương quốc của Đức Chúa Trời. Cách hành xử như vậy không giống với những gì con người thường làm, nhưng người khác sẽ được thay đổi bởi sự hiện hiện của Chúa qua đời sống chúng ta.
4. Khôi phục lại mối quan hệ đổ vỡ với người khác
“Cuối cùng, thưa anh em, hãy vui mừng lên, hãy cố gắng đạt đến sự trọn vẹn, hãy khích lệ nhau, hãy đồng một tâm trí, hãy sống thuận hòa, thì Đức Chúa Trời của tình yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh em” (2 Cô-rinh-tô 13:11)
Bạn đã bao giờ dễ dàng nổi cáu với một người “vong ơn bội nghĩa” chưa? Vấn đề không chỉ ở chỗ bạn mất đi sự kiểm soát, mà trên thực tế người đó hầu như không biết cảm giác thật sự của bạn là như thế nào. Nếu chúng ta bị tổn thương thì điều quan trọng là chúng ta phải giữ bình tĩnh và tìm kiếm sự tha thứ từ trong lời nói, hành động và cả thái độ. Đây có thể là cơ hội để phát triển mối quan hệ của chúng ta với người khác. Chúng ta sẽ nhận được nhiều nhất đó là khi chúng ta thể hiện tình yêu thương tràn đầy và sự khiêm nhường thay cho sự giận dữ, nóng nảy.
5. Vẫn biết ơn ngay cả khi chúng ta không được biết ơn
“Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Giê-xu” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18)
Phương cách tốt nhất để đối mặt với những người không biết ơn đó là tạ ơn Chúa về mọi thứ mà Chúa đã ban. Chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào những điều tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đã làm cho thế giới này mỗi ngày. Ngài đứng sau những điều tốt lành mà tất cả chúng ta vẫn đang đón nhận và thưởng thức, Chúa ban mặt trời để đem lại ánh sáng, ban mưa để chúng ta trồng cấy, v.v… Lời tạ ơn của chúng ta sẽ bày tỏ ân điển của Chúa với những người đang sống và làm việc quanh chúng ta.
Lời kết
Nếu bạn thường xuyên thực hành 5 phương pháp trên, nó sẽ trở thành thói quen trong đời sống bạn. Bạn sẽ có ý thức để bày tỏ sự biết ơn với Chúa và biết ơn mọi người xung quanh. Điều này cũng sẽ tạo nên một môi trường nuôi dưỡng sự biết ơn – nơi người khác sẽ học tập bạn để bày tỏ lòng biết ơn của họ.
Tin bài: Mục vụ truyền thông – HTTL Giao Ước Việt Nam
Lược dịch từ: WhatChristiansWantToKnow.com