Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Đã từ rất lâu tại Wittenberg, nước Đức, một tu sĩ đã nhen lên một cuộc chiến 500 năm chống lại hình tượng. Và ngọn lửa Cải Chính vẫn tồn tại bởi cuộc chiến vẫn diễn ra cho đến ngày hôm nay. Những nhà Cải Chính đã nhận biết rằng ý nghĩa xa xưa của việc thờ lạy hình tượng đơn giản là biểu hiện bề ngoài của một thần tượng ở bên trong, một sử giả dối thay thế cho sự tự tin. Tin Lành Cải Chính là một tuyên bố chiến tranh chống lại những suy nghĩ vô ích về Đức Chúa Trời, một cuộc chiến chống lại các thần tượng trong nền văn hóa.
Hành trình 500 năm đấu tranh với thờ lạy hình tượng
500 năm trước, Đức Chúa Trời đã nhen một ngọn lửa nhỏ tại Wittenberg, nước Đức, và ngọn lửa ấy đã trở thành đám cháy rực sáng của Tin Lành Cải Chính. Những gì khởi đầu từ tay búa của Martin Luther (nói một cách ẩn dụ), sớm trở thành những đòn giáng nặng nề vang lên khắp nền văn hóa, nghiền nát từng ảnh tượng sai trái về Đức Chúa Trời trong văn hóa thờ phượng thời bấy giờ.
Thật là hỗn độn. Vâng, những hình ảnh, tượng chạm, miếu thờ, tượng thánh và thánh tích đều bị nghiền nát. Nhưng tất cả đơn giản chỉ là biểu lộ bề ngoài của những thần tượng vô hình đã đâm rễ sâu trong tấm lòng tội lỗi – thần tượng đôi khi tồn tại dưới lớp vỏ “Cơ Đốc Giáo”
Những nhà Cải Chính đã nhận biết rằng ý nghĩa xa xưa của việc thờ lạy hình tượng đơn giản là biểu hiện bề ngoài của một thần tượng ở bên trong, một sử giả dối thay thế cho sự tự tin. Tin Lành Cải Chính là một tuyên bố chiến tranh chống lại những suy nghĩ hão huyền về Đức Chúa Trời, một cuộc chiến chống lại các thần tượng trong nền văn hóa.
Xưởng chế tác hình tượng
John Calvin đã tham gia vào trận chiến này, với những dòng nổi tiếng nói rằng: “Có thể nói, bản chất con người là một xưởng sản xuất hình tượng suốt đời.” Nhưng hãy nghe Calvin nói gì trong những câu sau đó. “Tâm trí con người, đầy kiêu hãnh và gan dạ, dám tưởng tượng một vị thần dựa trên khả năng của chính nó; khi nó lê bước cách nặng nề, thực ra nó đã chìm trong sự ngu dốt, nó nghĩ ra một diện mạo không thật và trống rỗng và cho đó là Đức Chúa Trời.” (Institutes, 1:108)
Không gì nguy hiểm hơn một niềm tin tôn giáo vào một thần giả xuất phát từ trí tưởng tượng của chính chúng ta.
Martin Luther cũng đứng trong cùng một chiến tuyến khi ông viết những dòng chống lại Rô-ma: Người xấu xa nói và thú nhận… “Tôi là một tu sĩ. Tôi phục vụ Chúa bằng lời thề nguyện và các nghi lễ. Nhờ đó, Ngài sẽ ban cho tôi sự sống đời đời.” Nhưng ai nói cho bạn rằng bạn đang thờ một Đức Chúa Trời chân thật, trong khi Ngài không truyền bảo những điều ấy? Như vậy bạn đã tự tạo cho chính mình một vị thần mong muốn những điều đó, mặc dầu không có Đức Chúa Trời chân thật nào đòi hỏi những điều này hay ban sự sống đời đời vì cớ đó. Vậy nên đó chẳng phải là bạn đang thờ hình tượng trong lòng mình sao, là thần mà bạn nghĩ việc công bình bạn làm sẽ làm thần đó vui lòng? (Works, 18:9-10)
Hãy nghe lời nói dối bị vạch trần: “Tôi sẽ hạnh phúc nếu tôi được bình an trong tâm linh nhờ những việc tốt đáng khen, những lời thề nguyện và những nghi lễ.” Tuyên bố này là một thần tượng giả – một sự an ninh giả trong xác thịt – một hình ảnh giả dối về Đức Chúa Trời, một Phúc Âm giả và một thần giả dối.
Thần học nông cạn
Tin Lành Cải Chính được nhen lên bởi cuộc đối đầu với những sự an ninh giả này. Những nhà Cải Chính chống lại các hình ảnh, tượng chạm, miếu thờ, tượng thánh và thánh tích. Nhưng quan trọng hơn, các nhà Cải Chính nhắm đến thần tượng về giáo lý, những tuyên bố sai lệch về Đức Chúa Trời, và những suy đoán về Chúa khiến nhiều thế hệ đi sai đường. (Cô-lô-se 2:8; 2 Cô-rinh-rô 10:4-5)
Các nhà Cải Chính đã dùng ba điều răn đầu tiên để thách thức sức lôi cuốn toàn cầu của thần tượng trong mọi nền văn hóa.
- Điều răn thứ 1 trong Xuất Ai Cập Ký 20:3 – Không theo các thần khác.
- Điều răn thứ 2 trong Xuất Ai Cập Ký 20:4-6 – Không hủy hoại sự thờ phượng Đức Chúa Trời bằng các hình tượng hư không.
- Điều răn thứ 3 trong Xuất Ai Cập Ký 20:7 – Không được lạm dụng Danh Chúa.
Ba điều răn là ba lời cảnh báo từ Chúa đối với những suy nghĩ vô ích và nông cạn về Đức Chúa Trời.
Lời cảnh báo 1 cấm pha tạp. Đừng nghĩ bạn có thể trộn lẫn Đức Chúa Trời với các thần tượng khác. Nếu bạn muốn thờ một phần ba là Đức Chúa Trời, và hai phần ba là các thần khác, bạn sẽ không có Chúa. Thuyết pha tạp là một suy nghĩ vô ích về Đức Chúa Trời.
Lời cảnh báo 2 cấm giản hóa. Đừng nghĩ bạn có thể hạ Đức Chúa Trời xuống thành điều gì đó có thể điều khiển được mà bạn có thể cầm trên tay như một hình tượng trong nhà hoặc một con bê vàng nhỏ. Mặt đất là bệ chân của Ngài (Ê-sai 66:1). Giản hóa Đức Chúa Trời là một suy nghĩ vô ích về Chúa.
Lời cảnh báo 3 cấm suy đoán. Đừng nói về Đức Chúa Trời một cách thiếu suy nghĩ. Thật vô ích khi nghĩ rằng chúng ta có thể gọi Danh Chúa để che lấp sự ngu dốt của chúng ta về bản tính của chính Ngài. Suy đoán về Đức Chúa Trời là một chiếc áo khoác che đậy suy nghĩ vô ích về Chúa.
Ở tận gốc rễ, mọi hình tượng được lập nên trong Cựu Ước đều nói dối về Đức Chúa Trời. Đó là tất cả những gì chúng có thể làm: dối gạt. Hình tượng sinh ra từ sự giả dối. Vì thế mà ngược lại, hình tượng chỉ có thể giảng về sự dối gạt cho những ai thờ phượng chúng. (Ha-ba-cúc 2:18; Xa-cha-ri 10:2; Giê-rê-mi 10:15)
Khi Luther khám phá ra trong Kinh Thánh, con bê vàng được trang sức bằng một cây bút trâm, một “dụng cụ trạm khắc” với mục đích ban đầu là viết nên lẽ thật về Đức Chúa Trời, nhưng thay vào đó nó lại được dùng để tạo hình một sự giả dối bằng vàng (Xuất Ai Cập Ký 32:4).
Hình tượng của chúng ta ngày nay
Cuộc chiến với hình tượng tôn giáo thời bấy giờ trở thành tiền tuyến khi các nhà Cải Chính tuyên bố và công bố thư tín của Phao-lô gửi cho người Ga-la-ti và Rô-ma.
Tấm lòng con người là một xưởng sản xuất hình tượng, và phải mất cả một cuộc cách mạng mới giảm được tốc độ của phân xưởng ấy. Người giảng đạo phải được đào tạo và sai đi, các nhà truyền giảng phải tiếp nhận sự kêu gọi, các giáo sĩ phải vượt qua những vùng biển tăm tối đến những vùng đất chưa ai biết, những dịch giả phải đem Kinh Thánh đến với tiếng bản xứ của người dân, và những Hội Thánh địa phương khỏe mạnh phải phát triển để họ có thể phục vụ trong cuộc chiến này. Mỗi một Cơ Đốc Nhân phải chống lại xưởng sản xuất hình tượng trong tấm lòng của họ bằng cách đổ đầy tấm lòng với Đấng Christ và nuôi dưỡng chính mình bằng kiến thức vững chắc về Đức Chúa Trời khi Chúa bày tỏ chính mình Ngài trong Kinh Thánh.
Đây là trọng tâm của các nhà Cải Chính 500 năm về trước. Suy nghĩ nông cạn về Đức Chúa Trời luôn luôn chiếm chỗ của chính Ngài, và lập tại chỗ ấy một hình tượng giả dối về sự bình an, dục vọng, giàu có, quyền lực hoặc thậm chí là tôn giáo.
Sự thật đáng buồn đó là Kinh Thánh nhiều lần cảnh báo chúng ta rằng chúng ta đều là những người làm nên hình tượng. Bảy tỷ người đa thần ngày nay không thể (và sẽ không bao giờ) dừng việc thờ phượng, bởi họ không thể ngưng đặt hy vọng và an ninh tương lai vào vật nào đó. Ân điển tối cao phải phá vỡ sự thôi thúc về hình tượng của chúng ta.
Như John Calvin đã viết những dòng rất nổi tiếng rằng: “Tấm lòng con người là một xưởng sản xuất hình tượng, luôn đẩy ra những hình tượng mới như một dây chuyền sản xuất. Những hình tượng tràn lan ra từ những tấm lòng sa ngã và ngập tràn mọi ngõ ngách trên những phương tiện truyền thông – mạng xã hội, truyền hình, âm nhạc, phim ảnh, tiểu thuyết và hồi ký.”
Đã từ rất lâu tại Wittenberg, nước Đức, một tu sĩ đã nhen lên một cuộc chiến 500 năm chống lại hình tượng. Và ngọn lửa Cải Chính vẫn tồn tại bởi cuộc chiến vẫn diễn ra cho đến ngày hôm nay.
Tin bài: Vinh Hiển
Lược dịch từ: DesiringGod.org