Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Đừng là chính mình. Hãy là điều vĩ đại hơn; là người mà Đức Chúa Trời đã định cho bạn; là chính bạn trong Đức Chúa Giê-xu. “Trước kia anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng. Hãy bước đi như các con của ánh sáng.” (Ê-phê-sô 5:8)
Bất cứ người nào tiếp xúc với cô ấy đều kinh hãi. Giọng của cô, giống như tổ ong bị chọc phá, chúng sẽ chích tất cả những ai đứng gần. Lời của cô ấy như gươm đâm (Châm Ngôn 12:18). Lưỡi của cô làm tan nát tâm linh (Châm Ngôn 15:4). Cô nói những lời đầy chết chóc (Châm Ngôn 18:21). Những ai nhìn thấy cô phải chuẩn bị tinh thần.
Triết lý của cô giống như triết lý của một người bạn cùng phòng trước đây, là người bạn sau khi ăn quá nhiều thức ăn Trung Hoa, sẽ cười và nói rằng: “Cho ra ngoài thì tốt hơn để bên trong.” Cô phải buông ra những lời khiếm nhã – dù người khác trong phòng có cảm thấy khó chịu thế nào.
Và sẽ không có ai thấy xúc phạm bởi vì, giống như lời mọi người thường nhắc nhau rằng: “Cô ấy là thế đấy.” Phàn nàn về cô giống như việc than phiền rằng nước thì ướt còn đá thì cứng. Điều gì cũng có bản chất của nó, và cô ta cũng có tính cách của mình. Theo quan điểm này, thì tính cách của cô ấy không thể uốn nắn được, một sự thật khoa học hiển nhiên, là điều mà cô ấy không thể làm gì khác được. Việc cằn nhằn về cô cũng giống như cằn nhằn về sinh học tự nhiên vậy. Giao tiếp lịch thiệp không phải là con người của cô ấy. Lịch sự không phải là bản chất cốt lõi của cô ấy. Tin đồn nói rằng cô sinh ra đã là vậy.
Đừng là chính mình
“Hãy là chính mình,” “hãy sống thật,” và “hãy luôn là chính mình” là phương châm sống của nhiều người trong thời đại chúng ta. Và khi họ sống như thế, lịch sự sẽ nhường chỗ cho bản chất, sự hiện thực hóa bản thân chiến thắng kỷ luật cá nhân, và những gì hướng về bản thân được thể hiện mà không bị phê phán.
Và một cách tinh vi, chúng ta lại có thể đưa triết lý này vào Hội Thánh. Mặc dù chính mệnh lệnh của Kinh Thánh phản bác triết lý này, mỗi một mô tả về tội lỗi ngay lập tức lên án quan điểm này, và mỗi một đề cập đến sự thánh khiết và đoán phạt của Đức Chúa Trời đều cảnh báo về việc tin theo quan điểm này, nhưng chúng ta lại biện hộ cho khuynh hướng tội lỗi như là cá tính của mình.
- Cô ấy à? Chỉ là cô ấy cứng cỏi và độc lập; thế nên cô ấy không vâng phục chồng mình.
- Anh ấy ư? Đừng lo, anh ấy không có ý lạnh nhạt với tất cả mọi người đâu. Anh ấy chỉ nhút nhát và hướng nội thôi.
- Vâng, anh ấy không lãnh đạo thuộc linh, nhưng đừng bực dọc. Anh ấy chỉ không đi sâu mà thôi – chứ anh ấy không phải vậy.
- Tại sao cô ấy không lớn lên trong sự nhận biết lời Chúa? Bởi cô ấy không phải là người thích đọc sách.
- Tại sao anh ấy lại như tán tỉnh mọi cô gái mà anh ấy gặp? Đừng xét nét điều đó. Anh ấy chỉ là người thích vui đùa mà thôi – là con người anh ấy mà.
Lời biện hộ về cá tính con người không thể bác bỏ này lại đối lập với quan điểm Kinh Thánh. Cá tính của chúng ta phải khuất phục dưới các chuẩn mực của Chúa mà không bao giờ có điều ngược lại:
- Những người vợ, hãy thuận phục chồng, dù các chị có phải là người cứng cỏi hay không.
- Những người hướng nội, hãy vui vẻ và tử tế, thậm chí là khi bạn có khuynh hướng tránh né để có không gian riêng.
- Những người chồng, hãy lãnh đạo vợ mình và dùng lời Chúa mà làm sạch vợ mình, dù các anh chỉ muốn làm hời hợt.
- Những Cơ Đốc Nhân, hãy suy ngẫm lời Chúa ngày và đêm, dù cho bạn chưa từng đọc một quyển sách nào kể từ thời trung học.
- Các Romeo, hãy ngừng làm rung động trái tim của các cô gái, dù bạn thấy làm điều đó rất dễ dàng.
“Bạn phải được sinh lại”
Kể từ khi loài người sa ngã, việc là chính mình là điều đối lập với ý muốn của Đức Chúa Trời. Từ khi loài người sa ngã, bản chất đích thực của chúng ta không gì lớn hơn là hướng về chính mình; bản chất ấy thù ghét Đức Chúa Trời qua việc từ chối không tôn quý Ngài trên hết mọi điều. Chính vì vậy, con người đích thực của bạn xứng đáng nhận sự chết.
Và đây là điều gây xôn xao của Phúc Âm: Phúc Âm nói rằng mỗi một người nam, người nữ và trẻ em – dù là tội phạm, “người tốt”, sùng đạo hoặc những người khác – rằng họ phải được sinh lại để vào vương quốc Đức Chúa Trời (Giăng 3:3). Phúc Âm nói cho chúng ta biết rằng người không ăn năn, người “sống thật với bản chất của mình”, là người chịu sự đe dọa trước cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời và làm tăng thêm sự đoán phạt của Ngài (Rô-ma 2:4-5).
Dù là Rogers, Gandhi hay là Stalin, việc trở thành “con người thật” của bạn không tạo ra sự công bình mà Đức Chúa Trời đòi hỏi. Chúng ta hết thảy đều cần sự công bình của Đức Chúa Trời đã được ban cho chúng ta một cách miễn phí trong Đức Chúa Giê-xu Christ (Phi-líp 3:8-11), và chúng ta tất cả đều cần trở nên những tạo vật mới bởi Đức Thánh Linh để bước vào vương quốc Đức Chúa Trời (Giăng 3:5). Chúa Giê-xu không nói rằng: “Hãy là con người thật của mình.” Nhưng Ngài phán: “Các ngươi phải sinh lại” (Giăng 3:7).
Trở nên vĩ đại hơn
Chúa Giê-xu đã chết trên thập tự giá để chúng ta có thể được sinh lại. Ngài gánh lấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Cha khi chúng ta còn “là chính mình,” và Ngài ban Đức Thánh Linh để khiến chúng ta trở thành những tạo vật mới trong Ngài. Đức Thánh Linh ngự bên trong chúng ta là những người được sinh lại để khiến chúng ta càng từ bỏ bản chất cũ của chính mình.
Con người mới của chúng ta là một con người tốt hơn chúng ta có thể hình dung. Chúng ta không được tạo dựng để phản ánh những phiên bản hoàn hảo về chính mình, nhưng để phản chiếu hình ảnh của chính Đức Chúa Trời. Ngài cũng định cho chúng ta có được sự cứu rỗi để khiến chúng ta giống như Con Ngài (Rô-ma 8:29) – là Đấng mà nếu bạn đã từng thấy, như Lewis viết rằng: “bạn sẽ bị lôi cuốn mạnh mẽ để thờ phượng Đấng ấy” (Weight of Glory, trang 45).
Vậy, “hãy là chính mình” chỉ là một lời khuyên tốt khi lời khuyên ấy có nghĩa là “hãy là con người ấy: là con người mới trong Đấng Christ.” Phao-lô nhiều lần lặp lại vấn đề này trong các bức thư tín của ông: “Trước kia anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng. Hãy bước đi như các con của ánh sáng.” (Ê-phê-sô 5:8)
Nói cách khác, Phao-lô dạy các Cơ Đốc Nhân phải trở thành chính mình trong Đấng Christ. Chúng ta bước đi như các con của ánh sáng – không phải để trở thành ánh sáng, nhưng bởi vì, nhờ công việc của Đức Chúa Trời toàn năng của chúng ta, chúng ta đã là sự sáng. Chúng ta sống như những tạo vật mới với tình yêu thương và niềm vui mới, bởi công tác đổi mới của Thánh Linh, chúng ta đã là những tạo vật mới (2 Cô-rinh-tô 5:17).
Chúng ta trở nên giống như con người mà chúng ta được dựng nên khi chúng ta chăm xem Đấng Christ và trở nên giống như Ngài (2 Cô-rinh-tô 3:18). Chúng ta không nhìn chăm chú vào bên trong và trở nên những gì chúng ta nhìn thấy, nhưng chăm chú ra bên ngoài để thấy Ngài – và những người khác giống như Ngài – và, nhờ Thánh Linh, học theo những gì chúng ta thấy (Phi-líp 3:17).
Đừng là chính mình. Hãy là điều vĩ đại hơn; là người mà Đức Chúa Trời đã định cho bạn; là chính bạn trong Đức Chúa Giê-xu.
Tin bài:Nhóm dịch thuật – Mục vụ truyền thông HTTL Giao Ước Việt Nam
Lược dịch từ: DesiringGod.org