Hội Thánh Tin Lành Giao Ước Việt Nam – Khi nỗi sợ hãi đến bạn biết mình cần hướng về đâu rồi. Bạn biết giọng nói mình cần nghe, giọng nói đem đến sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết; và Ngài nói với bạn, “Đừng sợ vì Ta ở với con, chớ kinh khiếp vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; phải, Ta sẽ giúp đỡ con, dùng tay phải công chính của Ta mà nắm giữ con.” (Ê-sai 41:10).
Nỗi sợ nào len lỏi vào lòng bạn thường xuyên nhất? Bạn có đang lo lắng chuyện mình sẽ không lập gia đình? Hay nếu bạn đã kết hôn rồi, là lo lắng về chuyện hôn nhân sẽ không tốt hơn? Bạn có lo sợ sự thất bại trong công việc hay mất việc? Bạn có lo sợ về sức khỏe, bệnh tật và cách bạn qua đời? Bạn có thường xuyên lo lắng cho các con – về sức khỏe, mối quan hệ và đức tin? Khi nào bạn sợ hãi?
Điều bạn sợ nhất có lẽ chính xác là nơi Sa-tan đang nhắm đến bạn nhiều nhất. Nó rình mồi trên sự bất an, lo lắng và buồn khổ. Nó đổ thêm xăng là những lời dối trá lên nỗi sợ của chúng ta – cố gắng thuyết phục chúng ta rằng Chúa không có quyền năng, Ngài thờ ơ hay ở rất xa. Ngay cả vua Đa-vít, cũng đã hỏi, “Đức Giê-hô-va ôi! Ngài mãi quên con cho đến chừng nào? Ngài ẩn mặt với con cho đến bao giờ?” (Thi Thiên 13:1)
Đức Chúa Trời không phải là không có năng quyền; mà quyền năng Ngài là vĩ đại không dò lường được (Ê-phê-sô 1:19). Chúa không thờ ơ với bạn đâu, mà Ngài chăm sóc bạn như Người Cha chăm sóc con mình (1 Phi-e-rơ 5:7). Và Chúa cũng không ở xa đâu, mà Ngài “ở gần mọi người cầu khẩn Ngài” (Thi Thiên 145:18). Nhưng chúng ta có thể cảm thấy Ngài ở rất xa khi chúng ta sợ hãi. Đôi khi chúng ta thấy Chúa như ở rất xa trong hoạn nạn bởi chúng ta đặt bản thân mình ở ngoài Lời Chúa.
Mọi lý do để sợ hãi
Đa-vít viết Thi Thiên 56 khi ông bị dân Phi-li-tin bắt trong lúc chạy trốn khỏi quân của Sau-lơ. Đa-vít nghĩ ông tìm được nơi trú ẩn ở đó nếu người Phi-li-tin quên mất ông là ai, nhưng triều thần của nhà vua sớm nói, “Người nầy chẳng phải là Đa-vít, vua của xứ ấy sao? Chẳng phải người ta đã hát mừng người nầy trong lúc nhảy múa rằng: ‘Sau-lơ giết hàng ngàn, Còn Đa-vít giết hàng vạn’ sao?” (1 Sa-mu-ên 21:11). Rồi chúng bắt ông lại.
Đa-vít, chạy trốn để bảo toàn mạng sống khỏi một kẻ giết người với cả một đội quân, lại sa vào cánh tay của kẻ thù đầy ghen tị và nguy hiểm. Đây là “sự thử thách trăm chiều” của ông (Gia-cơ 1:2) khi ông viết, “Đức Chúa Trời ôi! Xin thương xót con, Vì người ta muốn ăn tươi nuốt sống con; Hằng ngày chúng tấn công con và áp bức con. Kẻ thù muốn ăn tươi nuốt sống con mỗi ngày… Hằng ngày chúng bắt bẻ từng lời con nói, Chúng luôn luôn toan tính để hại con. Chúng họp nhau lại, rình rập, Theo dõi từng bước chân của con. Vì chúng muốn hại mạng sống con.” (Thi Thiên 56:1-2, 5-6)
Ông sống từng ngày trong sự lo lắng không chỉ bởi việc ông có thể chết ngày đó, mà là việc ngày hôm nay ai đó có thể giết ông. Nhiều hơn một lần trong đoạn Thi Thiên này, ông nói, “con chẳng sợ hãi” (Thi Thiên 56:4, 11). Tại sao ông lại nói được vậy đang khi phải chạy trốn và bị bắt giữ?
Khi con sợ hãi
Đa-vít có thể đối mặt với những thử thách lớn bởi ông biết mình cần hướng về đâu trong những hoàn cảnh đó. “Trong ngày sợ hãi, Con sẽ đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Con nhờ Đức Chúa Trời và ca ngợi lời Ngài; Con đặt trọn niềm tin nơi Đức Chúa Trời nên chẳng sợ hãi. Người phàm sẽ làm gì được con?” (Thi Thiên 56:3-4)
Ông bắt đầu với lời nói, “Trong ngày sợ hãi…” Ông nhận biết được rằng sự nguy hiểm, những thử thách và sợ hãi là có thật. Ông không chối bỏ việc thấy sợ hãi khi bị dân Phi-li-tin giam cầm, hay khi ông trốn khỏi Sau-lơ, “Con sợ hãi,” ông thú nhận.
Nhưng điều đó không kéo dài lâu, “Trong ngày sợ hãi, Con sẽ đặt trọn niềm tin nơi Ngài… Con đặt trọn niềm tin nơi Đức Chúa Trời nên chẳng sợ hãi.” Tôi sợ hãi lúc này, nhưng tôi biết mình cần hướng về đâu những lúc đó. Và khi tôi gạt bỏ nỗi sợ để Ngài mang lấy, Ngài loại bỏ mọi sự sợ hãi trong tôi. “Con sẽ chẳng sợ hãi.”
Bất cứ khi nào thấy ai đó chuyển từ “Con sợ hãi” sang “Con sẽ không sợ hãi” bạn nên hỏi làm như thế nào. Việc biết cách Đa-vít vượt qua nỗi sợ có thể truyền cảm hứng cho ai đó đang sợ hãi, nhưng trừ khi ông ấy nói với chúng ta về điều này, nếu không câu chuyện của ông không thể giúp chúng ta đối diện sự sợ hãi của chính mình.
Làm thế nào để tin cậy Chúa
Vậy điều gì đã xảy ra với Đa-vít giữa “Con sợ hãi” với “Con sẽ không sợ hãi”? Ông đã đặt sự tin cậy nơi Chúa. Vì vậy, bạn sẽ tin cậy Chúa khi sợ hãi chứ? Đúng vậy, nhưng Đa-vít có nói gì nhiều hơn về việc tin cậy Chúa khi ở trong hang, khi bị bắt giữ và khi trốn chạy để giữ mạng sống là như thế nào không?
“Trong ngày sợ hãi, Con sẽ đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Con nhờ Đức Chúa Trời và ca ngợi lời Ngài; Con đặt trọn niềm tin nơi Đức Chúa Trời nên chẳng sợ hãi. Người phàm sẽ làm gì được con?” (Thi Thiên 56:3-4)
Khi Đa-vít đặt sự tin cậy nơi Chúa, ông đặt sự tin cậy, thậm chí là ngợi khen, trong Lời của Đức Chúa Trời. Ông đã không cầu nguyện lời cầu nguyện mơ hồ của hi vọng, nhưng ông neo mình, neo những nỗi đau và sợ hãi nơi lời hứa của Đức Chúa Trời. Khi tôi sợ hãi, tôi bám lấy Ngài trong Lời của Ngài. Thay vì chăm chú vào những ngọn núi kinh khiếp trước mặt, tôi đặt tâm trí mình vào những gì Ngài đã nói với những người yêu Ngài. Đột nhiên, mối nguy này không còn đáng sợ nữa bởi nó bị chìm xuống bởi một giọng nói lớn hơn.
Lời trên Lời
Nếu bạn muốn biết việc trân trọng Lời Chúa trong thuận cảnh cũng như nghịch cảnh là thể nào, hãy đọc lại Thi Thiên 119. Không có nơi nào khác mà câu Kinh Thánh được nâng lên và ăn mừng như chương Kinh Thánh dài nhất này. Có lẽ điều đáng quý nhất trong 176 câu Kinh Thánh này là khi trước giả Thi Thiên nói về năng quyền của Lời Chúa làm dịu đi nỗi sợ của chúng ta và mang chúng ta qua sự buồn rầu.
“Linh hồn con ưu sầu, tuôn tràn giọt lệ; Xin khiến con mạnh mẽ nhờ lời của Chúa.” (Thi Thiên 119:28)
“Đức Giê-hô-va ôi! Con bị khốn khổ tột cùng; Xin làm cho con được sống nhờ lời của Ngài.” (Thi Thiên 119:107)
“Chúa là nơi ẩn náu và cái khiên của con; Con hi vọng nơi lời Chúa.” (Thi Thiên 119:14)
“Con thức trước rạng đông và kêu cầu; Con hi vọng nơi lời Chúa.” (Thi Thiên 119:147)
“Các vua chúa bắt bớ con vô cớ, Nhưng lòng con kính sợ lời Ngài.” (Thi Thiên 119:161)
Các vua chúa bắt bớ tôi vô cớ – tôi chịu đựng không vì lý do gì cả – nhưng Lời Chúa vẫn luôn ngọt ngào với tôi. Khi tôi không biết phải nói gì trong thử thách lớn ấy, hi vọng duy nhất cho sự chữa lành, sức mạnh, sự bảo vệ và giải cứu được viết ra trong sách của Ngài. Tấm lòng tôi kính sợ Lời Chúa.
Chúa đứng về phía bạn
Đa-vít gần như lặp lại ở gần đoạn cuối Thi Thiên 56: “Ngày nào con kêu cầu, Các kẻ thù của con sẽ thối lui; Con biết điều đó vì Đức Chúa Trời bênh vực con. Con tin cậy Đức Chúa Trời và ngợi ca lời Ngài; Con tin cậy Đức Giê-hô-va và ngợi ca lời Ngài. Con đặt trọn niềm tin nơi Đức Chúa Trời nên không sợ hãi; Người phàm sẽ làm gì được con?” (Thi Thiên 56:9-11)
Vậy tin cậy Chúa nghĩa là sao? Điều đó có nghĩa là tin cậy lời Chúa phán. Và Chúa nói gì trong Lời của Ngài? Ta ở với con. Nếu Đức Chúa Trời đứng về phía chúng ta thì còn ai nghịch với chúng ta? (Rô-ma 8:31). Con người làm gì chúng ta được?
Khi nỗi sợ hãi đến – và chắc chắn là như vậy, ngay cả ngày hôm nay – bạn biết mình cần hướng về đâu rồi. Bạn biết giọng nói mình cần nghe, giọng nói đem đến sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết; và Ngài nói với bạn, “Ta đã bảo các con những điều nầy, để các con có sự bình an trong Ta. Các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi.” (Giăng 16:33). Và bởi bạn ở trong Ngài, và Ngài sống trong bạn, qua đức tin, bạn đã chiến thắng thế gian rồi (1 Giăng 5:4-5)
Bạn có thể cùng nói với Đa-vít, “Con chẳng sợ hãi.”
Tin bài: Nhóm dịch thuật – Mục vụ truyền thông HTTL Giao Ước Việt Nam
Lược dịch từ: DesiringGod.org